Thay đổi cách nhìn

24/10/2012 03:20 GMT+7

Sự ra đời của luật Luật sư (LS), của Liên đoàn LS Việt Nam là kết quả không thể phủ nhận cải cách tư pháp. Thực tiễn hoạt động LS cũng phản ánh chân thực những khiếm khuyết của hệ thống các cơ quan tư pháp nói riêng và bộ máy hành chính nói chung.

>> Kỷ luật, xóa tên nhiều luật sư ở Cần Thơ
>> Vẫn tranh luận về giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư
>> Trưởng văn phòng luật sư bị tạt a xít

Có thể nói không quá rằng, nhìn vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của LS có thể đánh giá được công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta đang đi đến giai đoạn nào. Chừng nào hoạt động của LS còn bị cản trở, gây khó dễ, còn bị coi là mang tính hình thức trong một cơ quan tư pháp nào thì chưa thể nói rằng hoạt động của cơ quan đó đã phù hợp với mục tiêu của cải cách tư pháp, và ở đó công lý có thể đang bị đe dọa.

Mặc dù trong luật LS đã quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của LS, tuy nhiên, do thiếu chế tài xử lý và do tính đặc thù là người có thể cản trở hoạt động hành nghề của LS thường lại là người có thẩm quyền giải quyết chính những kiếu nại của LS (nếu có) nên trên thực tế, trở ngại lớn nhất đối với hoạt động hành nghề LS chính là việc bị gây khó khăn, bị cản trở bằng rất nhiều các phương thức, lý do không tên. Trong khi người có thể cản trở quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là các điều tra viên hoặc người có thẩm quyền của cơ quan điều tra thì văn bản hướng dẫn đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn này lại do chính ngành công an ban hành. Trong nhiều vụ án, thẩm phán còn nhầm LS với “đương sự” khi gửi giấy triệu tập, nhiều thẩm phán thậm chí còn ứng xử như không có sự hiện diện của LS trong quá trình tố tụng, không gửi thông báo cho LS tham dự phiên tòa, để mặc cho thân chủ và LS tự thông báo cho nhau.

Khi tham gia hoạt động tố tụng, ngoại trừ các LS có kinh nghiệm và có “quan hệ” với cán bộ tòa án, không khí bao trùm lên hoạt động của LS vẫn là sự ghẻ lạnh và thái độ thiếu thiện cảm của cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng, họ coi sự tham gia tố tụng của LS như là yếu tố cản trở, gây phiền hà cho công việc của họ khiến cho đại đa số các LS trẻ e ngại lựa chọn hành nghề trong lĩnh vực tham gia tố tụng. Tại các phiên tòa, không ít các nhà báo đã ghi nhận được thái độ thiếu đúng đắn của những người tiến hành tố tụng đối với LS: chủ tọa hạn chế thời gian phát biểu, tranh luận của LS; Hội đồng xét xử không hề cân nhắc, đánh giá đến các luận cứ mà LS đưa ra...

Mỗi LS đã từng tham gia tố tụng cũng đều có thể kể ra hàng loạt trải nghiệm về việc bị “quan tòa” hay “quý viện” gây khó với muôn hình vạn trạng hình thái khác nhau. Thực trạng này khiến xã hội đánh giá chưa cao vai trò của LS, do đó nó lại tác động tiêu cực trở lại với hoạt động nghề nghiệp của LS.

Chúng ta không kỳ vọng rằng chỉ cần lần sửa đổi này là hoạt động nghề nghiệp của LS trên thực tiễn sẽ được đảm bảo đúng như chức năng xã hội đã được ghi nhận của nó và công cuộc cải cách tư pháp sẽ hoàn thành. Nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng rằng, cùng với lần sửa đổi này và những sửa đổi, bổ sung những luật, bộ luật liên quan đến hoạt động của LS, Quốc hội sẽ trao cho giới LS những cơ sở pháp lý đủ mạnh, xóa bớt những rào cản, trở lực để lực lượng này có thể thực hiện được chức năng xã hội của mình, góp phần vào sự thành công của cải cách tư pháp.

Thạc sĩ - LS Phạm Văn Phất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.