Tăng giá và lãi lớn

08/01/2013 02:07 GMT+7

Chỉ khoảng nửa tháng kể từ khi chính thức tăng giá điện thêm 5%, thông tin các nhà máy điện thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lãi đột biến trong năm 2012 khiến dư luận ngao ngán và bức xúc.

Có nhà máy lãi gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần mức lãi của năm 2011.

Vì lãi lớn, có nơi đang lên kế hoạch tăng lương, tăng thu nhập cho tương xứng với thành quả đạt được. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu thành quả này là do ngành điện kinh doanh hiệu quả đạt được. Nhưng thực tế thì điện vẫn thất thoát lớn, quản trị vẫn yếu kém...

Những tồn tại của ngành điện chưa hề được giải quyết. Họ lãi, chủ yếu là nhờ tăng giá. Trong năm 2012 cực kỳ khó khăn này, ngành điện vẫn tăng giá tới 2 lần, bất chấp sự phản đối của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, người dân.

Chúng ta đều biết, điện tác động đến giá thành của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ, nên mỗi lần tăng giá điện thì sức cạnh tranh của mỗi công ty, nồi cơm của mỗi gia đình đều bị ảnh hưởng. Vậy trong 55.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động của năm 2012, trong việc sức mua trên thị trường bị suy kiệt, ngành điện đóng góp bao nhiêu? Để mang về khoản lãi 3.500 - 4.000 tỉ đồng trong năm 2012 cho EVN, nền kinh tế phải trả giá như thế nào? Tại sao ngân sách phải bỏ tiền hỗ trợ lãi suất để có hàng bình ổn giá cho người dân thì điện lại có quyền tăng giá để thu lợi riêng?

Câu chuyện tăng giá và lãi khủng của ngành điện một lần nữa cho thấy, tác hại của sự độc quyền. Đặc biệt, sự độc quyền được "tiếp tay" bằng quyền tự quyết định tăng giá (dù chỉ dưới 5%) thì hậu quả của nó là kinh khủng.

Thực ra kết quả này không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, bởi trước đó, dư luận đã phản đối mạnh mẽ việc trao quyền quyết định giá cho EVN. Về nguyên tắc, một mặt hàng quan trọng như điện và lại đang kinh doanh độc quyền, không thể và không nên trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng thì việc này vẫn xảy ra và quyền tăng giá đã trở thành "chiếc phao" cứu EVN khỏi thua lỗ hay lãi khủng như nói trên. Đáng lo sợ hơn, "chiếc phao" này cũng sẽ khiến cho EVN chẳng việc gì phải xử lý nhanh những yếu kém của mình như thất thoát điện năng, đầu tư bừa bãi thiếu hiệu quả, quản trị lại bộ máy... Và người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế chắc chắn sẽ còn tiếp tục hứng chịu những đợt tăng giá bất hợp lý, tiếp tục chấp nhận thiệt thòi để ngành điện thu lợi, tăng lương, tăng thưởng trong thời gian tới.

Bế tắc lớn nhất của kinh tế trong nước năm nay vẫn là tồn kho lớn, sức mua yếu. Nhưng thuế thu nhập chưa giảm thì điện đã tăng. Lãi suất vừa hạ thì một loạt phí mới được thu. Sau điện, xăng cũng đang "nhăm nhe" tự quyết định giá. Nếu cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thế này thì chắc chắn, không thể có lời giải cho bài toán kích thích sức mua, giải phóng tồn kho, tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Còn gì chua chát hơn hình ảnh người dân thắt chặt chi tiêu, hàng hóa tết dù khuyến mãi vẫn thưa thớt khách hàng trong khi ngành điện nhờ tăng giá đã lãi khủng?

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.