Sự đánh đổi có lợi

11/12/2006 00:08 GMT+7

Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam chấp nhận giảm mạnh thuế nhập khẩu, bãi bỏ những trợ cấp WTO không cho phép, mở cửa rộng hơn thị trường trong nước... Những nhượng bộ của Việt Nam để đổi lấy thị trường 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có tương xứng? Tại hội nghị phổ biến các cam kết WTO của Việt Nam cuối tuần qua tổ chức ở TP.HCM, đa số các nhà đàm phán đều nhận định rằng sự đánh đổi kia là có lợi cho tương lai Việt Nam.

Để giành được tấm thẻ thành viên WTO, Việt Nam sẽ cắt giảm 3.800 dòng thuế, thuế suất cam kết cuối cùng bình quân giảm 23% so với mức thuế hiện hành. Tác động trực tiếp về cắt giảm thuế suất thấy rõ nhất qua tính toán của Bộ Tài chính là giảm khoảng 1.000 tỉ đồng/năm từ nguồn thu thuế nhập khẩu. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), nếu thực hiện đúng kịch bản, tổng thu ngân sách không những không giảm mà còn tăng. Bà Bích dẫn chứng một số nước gia nhập WTO trước Việt Nam đều tăng thu ngân sách.

Đáng lưu ý, Việt Nam còn tham gia vào một số hiệp định tự do hóa ngành, theo đó mức độ cắt giảm thuế cũng rất mạnh. Ví dụ với Hiệp định công nghệ thông tin (ITA), khoảng 330 dòng thuế sẽ chỉ có thuế suất từ 0% (từ 3-5 năm, tối đa là 7 năm sau khi gia nhập). Các sản phẩm như máy tính, điện thoại di động, máy ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số... đều có thuế suất 0%. Hay với Hiệp định thiết bị y tế có khoảng 81 dòng thuế, cũng có mức thuế suất cam kết cuối cùng là 0% (so với mức hiện nay là 20-30%). Hàng may mặc nhập khẩu cũng sẽ rẻ hơn bởi mức cắt giảm rất lớn, đến 63%.

Trước cam kết WTO về việc cho đầu tư 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ từ ngày 1.1.2009, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam mở cửa quá sớm đối với thị trường phân phối, bán lẻ. Nhưng theo ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Phó đoàn đàm phán, Việt Nam không còn cách nào khác. Bởi, theo cam kết trong Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA), Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường này cho đầu tư 100% vốn nước ngoài từ ngày 10.12.2008. Cũng theo ông Khánh, về cơ bản, mức độ mở cửa thị trường phân phối theo cam kết WTO là tương đương với BTA. "Việt Nam đã giữ được 8 mặt hàng nhạy cảm không cho đầu tư nước ngoài tham gia bán buôn, bán lẻ hay làm đại lý là một thành công. Danh mục loại trừ này thuộc loại dài nhất trong số những danh mục tương tự của WTO" - ông Khánh nhận định.

Sức ép đối với việc mở cửa thị trường lĩnh vực ngân hàng cũng vô cùng to lớn. Các nước "đòi"  cho ngân hàng nước ngoài được mở ngân hàng con, chi nhánh và mua lại ngân hàng trong nước. Cuối cùng, theo ông Khánh, Việt Nam nhượng bộ một phần, cho phép ngân hàng nước ngoài được thành lập ngân hàng con ở Việt Nam. Ông Khánh nhấn mạnh rằng các công ty chứng khoán Việt Nam sẽ hết sức khó khăn vì độ mở cửa cho các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này là khá rộng và nhanh: sau 5 năm đã cho thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Một thách thức khác mà theo ông Khánh nếu không chuẩn bị cẩn thận thì những gì đoàn đàm phán Việt Nam đã mất công sức giữ được sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là việc thực hiện những cam kết. Ông Khánh dẫn một ví dụ: "Chẳng hạn trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, ta cam kết theo WTO là cho phép công ty nước ngoài được liên doanh với tỷ lệ góp vốn 49%. Nhưng một sở kế hoạch - đầu tư nào đó cấp phép cho một công ty liên doanh mà tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài là 51%, thì lập tức những cam kết  ban đầu bị vô hiệu hóa ngay". Ông Khánh cũng cho rằng so với các nước ASEAN, cam kết  mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam là cao nhất.

Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Trưởng đoàn đàm phán chính phủ Lương Văn Tự đúc kết: "Gia nhập WTO chúng ta có cả thời cơ và thách thức. Cơ hội đó có hay không phải do chính sách, do các doanh nghiệp. Gia nhập WTO để chúng ta phát triển, nhưng không có nghĩa cứ gia nhập là chúng ta giàu lên hay nghèo đi mà đó là một cơ hội. Chúng ta tranh thủ được cơ hội đó thì chúng ta giàu có, vượt qua được thử thách thì chúng ta tạo được cơ hội mới. Tranh thủ được cơ hội này, vượt qua được thách thức này chúng ta sẽ đưa nền kinh tế đất nước phát triển lên trình độ cao hơn".

Tr.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.