Rủi ro thanh khoản

18/04/2011 01:26 GMT+7

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại chỉ được lấy 30% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ lãi suất hiện nay có thể khẳng định vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lớn hơn nhiều so với con số quy định. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng.

Thực ra NHNN cũng đã nhìn ra vấn đề này nên từ năm 2009 đã giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống còn 30%. Nhưng nguy cơ vượt trần quy định này là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta đều biết do căng thẳng nguồn vốn nên tại các ngân hàng hiện nay, lãi suất huy động các kỳ hạn đều bằng nhau. Thậm chí, lãi suất ngắn hạn còn cao hơn lãi suất dài hạn. Với biểu lãi suất này, đương nhiên người gửi tiền sẽ chọn kỳ gửi ngắn hạn, bản thân ngân hàng cũng không dám huy động dài hạn với lãi suất cao vì sợ rủi ro. Như vậy có thể khẳng định, vốn huy động đầu vào của các ngân hàng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn. Tuy nhiên, đầu ra là cho doanh nghiệp, cá nhân vay thì hầu hết lại là dài hạn trong khi chỉ được phép sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Đó là lý do khiến nhiều ngân hàng phải "lách" bằng cách đưa ra các sản phẩm kỳ hạn dài nhưng cho phép khách hàng rút tiền trước hạn và vẫn được hưởng lãi suất bằng lãi suất kỳ hạn thực gửi. Nói thẳng ra, cũng là ngắn hạn. Điều đó khẳng định việc vượt trần 30% theo quy định như nói trên là có thực. Tất nhiên, khi vốn ngắn hạn cho vay dài hạn quá nhiều, rủi ro thanh khoản là điều có thể dự báo.  

Cũng vì lao theo huy động kỳ hạn ngắn nên các khoản huy động liên tục đến hạn. Bên cạnh đó, khách hàng lại thường xuyên "chạy" từ ngân hàng này qua ngân hàng khác để kiếm lãi suất cao hơn dẫn đến việc hụt tiền ở các ngân hàng. Khi đó, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ khách hàng, vay qua đêm hoặc vay trên thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn ngắn. Tất cả những động thái này đều dẫn đến chung một kết quả là đẩy lãi suất tăng cao. Minh chứng rõ ràng nhất là lãi suất trên liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, chứng tỏ các ngân hàng đang thực sự khát vốn và tìm mọi cách huy động vốn để bù đắp thanh khoản. Lãi suất huy động được NHNN quy định không vượt quá 14% nhưng thực tế đã lên tới 17%, 18% bởi ngân hàng lớn tăng lãi suất để giữ chân khách, ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất vì thiếu thanh khoản. Điều này tiếp tục hình thành một cuộc chạy đua lãi suất trên thị trường, dẫn đến nghịch lý biểu đồ lãi suất như nói trên.

Như vậy có thể thấy, rủi ro thanh khoản của các ngân hàng phần lớn đến từ việc huy động kỳ hạn ngắn chứ không phải do thiếu hụt trong giao dịch với doanh nghiệp (tăng trưởng tín dụng chậm lại, hoạt động kinh doanh khó khăn nên giao dịch của doanh nghiệp với ngân hàng khó có thể tăng lên). Vì vậy, để mục tiêu thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát đạt hiệu quả, để an toàn thanh khoản cho các ngân hàng cần sự giám sát chặt chẽ của NHNN trong việc vượt trần lãi suất, vượt trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.