Quyết tâm

15/01/2015 04:29 GMT+7

Có lẽ, chưa thời gian nào như nửa năm nay, việc chậm trễ trong xử lý xe quá tải, thậm chí có dấu hiệu bảo kê, dung túng cho xe quá tải đã khiến các vị lãnh đạo, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đều phải lên tiếng và chỉ đạo quyết liệt đến vậy.

Có lẽ, chưa thời gian nào như nửa năm nay, việc chậm trễ trong xử lý xe quá tải, thậm chí có dấu hiệu bảo kê, dung túng cho xe quá tải đã khiến các vị lãnh đạo, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đều phải lên tiếng và chỉ đạo quyết liệt đến vậy.
Đây được xem là động thái tích cực để tẩy trừ một việc tưởng như không khó, vậy mà sao nó tồn tại, thậm chí rất đáng lo ngại trong đời sống.
Tại hội nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hôm 13.1, bằng lối nói dí dỏm xen lẫn sự khó chịu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã phê khéo vị đứng đầu ngành giao thông ở Lào Cai rằng: “Các ông không phải chờ các tỉnh làm tốt, mới làm tốt. Các ông có thể treo khẩu hiệu Lào Cai nhiệt liệt chào mừng xe quá tải lên. Càng có nhiều xe quá tải về Lào Cai thì các ông càng phạt được nhiều tiền. Cái chính là các ông phải xử lý nghiêm trên địa bàn tỉnh mình, chứ không phải đợi tỉnh khác...”, ông Thăng nói.
Theo ông, hành vi chở hàng quá tải sẽ gây tổn thất về mặt kinh tế khi chất lượng cầu, đường chịu không nổi sẽ nhanh xuống cấp... Chính vì thế, ông Thăng cho rằng, cần xử lý bằng pháp luật, tức là phải truy tố những hành vi này như tội phá hoại kinh tế. Cách nhìn nhận vấn đề của ông Bộ trưởng như vậy là đúng đắn và rất cần thiết.
Song, để thực hiện được điều này, chúng ta cần sớm chỉnh sửa luật có liên quan thật nghiêm và các cơ quan thực thi pháp luật cũng phải thực hiện thật mạnh tay. Bên cạnh đó, đối với những người thừa hành công vụ, nếu ai đó bảo kê, dung túng cho hành vi vi phạm trên, thậm chí, cả cơ sở sản xuất, cải hoán, cơi nới thùng xe phục vụ chứa hàng quá tải... cũng cần xem họ là đồng phạm.
Có một thực tế, nếu vị tư lệnh ngành giao thông vận tải dù có quyết liệt đến mấy, nhưng các cấp lãnh đạo khác và cấp cơ sở cũng như các trạm đăng kiểm mà không làm hết trách nhiệm, vẫn nhẹ tay, hoặc quan liêu, hoặc tiêu cực thì việc xử lý xe quá tải khó vẫn hoàn khó!
Để thấy được những cố gắng của nhà nước ta trong đầu tư cơ sở hạ tầng ngành giao thông gần đây, ta nên biết: Nếu năm 2012, vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn ODA... mới chỉ có 30.000 tỉ đồng thì 2013 (là năm bắt đầu có thêm vốn BOT) đã nâng lên 50.000 tỉ; năm 2014 là 80.000 tỉ và dự kiến năm nay khoảng 100.000 tỉ đồng. Cần nhớ, chỉ cần đầu tư xây dựng 245 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chúng ta đã phải chi tới gần 30.000 tỉ, tương đương số tiền dành cho cả ngành giao thông năm 2012. Chính vì vậy, việc bảo vệ hạ tầng giao thông trước nạn xe quá tải càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.