Quyền không có khói thuốc

02/05/2013 03:15 GMT+7

Phòng chống tác hại thuốc lá đối với những người không hút thuốc là một việc hết sức cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế của mỗi quốc gia. Sau những phát hiện y khoa chứng minh một cách thuyết phục rằng chất nicotine trong điếu thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra bệnh ung thư phổi và huyết khối động mạch vành trong thập niên 1950, từ thập niên 1960, nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Úc đã ban hành luật nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá.

Hiện nay, luật này phổ biến trên thế giới cũng như luật giao thông hay luật chống buôn lậu, và mỗi ngày lại có thêm quy định cấm được ban hành ở này hay nơi khác. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1.5.2013 với những điều khoản cấm tương tự như thế giới dẫu là hơi muộn, nhưng chắc chắn phù hợp với mong mỏi của khoảng 75-80 triệu người không hút thuốc lá, trong đó có tôi (theo một khảo sát toàn cầu năm 2010, Việt Nam có khoảng 15 triệu người trưởng thành hút thuốc).

Tuy vui, nhiều người mà tôi có dịp trò chuyện cùng vẫn rất lơ mơ về luật này hoặc tỏ ra băn khoăn về hiệu lực thi hành của nó. Bên cạnh việc cấm quảng cáo, quy định hình thức bao bì gói thuốc… có thể được kiểm soát bằng các công cụ kinh tế, việc phát hiện và chế tài người vị thành niên hút thuốc hoặc người hút thuốc ở chỗ cấm xem ra không dễ. Rất khó để lực lượng chức năng “rải” đủ nhân viên đi kiểm tra để bắt và xử phạt người vi phạm, nếu không có “tai mắt” của người dân và sự phối hợp của những người coi gác các “điểm cấm”.

Để luật thực sự có hiệu lực, theo cá nhân tôi, cần tuyên truyền mạnh để người không hút thuốc biết cái quyền được hít thở không khí không có khói thuốc của mình, cũng như người hút thuốc ý thức tôn trọng những người khác. Thực tế ở Việt Nam là một số người vẫn hút thuốc trong quán cà phê, nhà hàng máy lạnh, dù có biển cấm trước mặt. Trong khi những người xung quanh dù khó chịu nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, thì chủ quán đôi khi ngại mất lòng khách nên cũng lảng đi. Tôi cũng từng “ê mặt” khi lên tiếng nhưng đối tượng hút thuốc cứ “trơ” ra. Có người còn nhìn tôi với vẻ “cô này khó tính quá!”.

Điều này rất khác khi tôi du học ở Vương quốc Bỉ. Một lần, trên chuyến xe buýt thưa thớt khách trong thủ đô Brussels, có một nhóm thanh niên nhập cư ngồi ở cuối xe hút thuốc và nói chuyện. Có lẽ ý thức việc làm của mình là không đúng nên cả nhóm chỉ châm một điếu. Khi tôi quay lại và đề nghị họ tắt thuốc, họ tắt ngay lập tức và cũng ngưng trò chuyện luôn, như thể họ xấu hổ vì hành vi của mình.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi
>> 200 nhà hàng, khách sạn "nói không" với thuốc lá
>> Cai thuốc lá giảm nguy cơ tim mạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.