Quản trị sự thay đổi

14/07/2012 03:05 GMT+7

“3 năm trước kinh tế thế giới khó hơn năm 2012, còn ở VN, năm nay kinh tế khó hơn năm 2009”. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại đã nói điều này trên cơ sở “sức khỏe” các doanh nghiệp (DN). Khó khăn của DN đã đến cùng cực, nền kinh tế đối mặt với nhiều nguy cơ.

Trong loạt bài Lối ra nào cho kinh tế Việt Nam? đăng trên Thanh Niên, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân đã hiến không ít kế sách đưa kinh tế mau chóng vượt qua khó khăn. Nhưng giải pháp gì thì cuối cùng vẫn phải là thực hiện và đa phần các giải pháp được đề cập đều chung nhau ở một điểm, đó là đòi hỏi quyết tâm chính trị và sự thay đổi tư duy ở tầm chiến lược.

Sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế tự thân nó đã có trong quá trình chống chọi với suy thoái và suy giảm mà không chờ bất kỳ đề án hay mệnh lệnh nào từ quản lý. Nhưng điều các nhà quản lý có thể mang lại cho sự thay đổi hiệu quả tích cực chính là việc quản trị được sự thay đổi ấy. Chính phủ cứu nền kinh tế chứ không cứu một DN bất kỳ nào, mặc dù đương nhiên cứu nền kinh tế thì phải thông qua DN cụ thể.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu chứng tỏ rằng, các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được sửa chữa bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của Nhà nước. VN cần chuyển nhanh từ mô hình “Nhà nước - nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng, sang mô hình “Nhà nước - nhà quản lý công”. Cần mạnh tay cắt giảm các chi tiêu công; ngăn chặn hiện tượng lạm dụng trục lợi cá nhân, thậm chí biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN, phe nhóm....

Nếu cuộc đấu tranh với tham nhũng bị xem nhẹ thì không những không thể giải quyết hiệu quả các giải pháp vực dậy nền kinh tế mà còn nảy sinh nguy cơ đưa cuộc cải cách kinh tế thiên về lợi ích nhóm, từ bỏ lợi ích cộng đồng. 

Sự hỗ trợ đối với DN không chỉ nhìn ở gói cứu trợ mấy chục nghìn tỉ đồng mà cần phải mở rộng đối với việc cải thiện các thủ tục hành chính, việc hỗ trợ đào tạo để xây dựng một đội ngũ doanh nhân có đủ trình độ quản trị sự thay đổi và hội nhập. Các nước có cả một chiến lược dài hơi cho quá trình xây dựng sản phẩm thương hiệu toàn cầu dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ như hiệp hội chuyên ngành, các câu lạc bộ, Phòng Thương mại -Công nghiệp có vai trò to lớn trong việc xúc tiến thương mại,  giao lưu, trao đổi thông tin và hỗ trợ phát triển chuyên môn cho DN.

Ở VN, một số không nhỏ trong các thiết chế ấy có vai trò hạn chế. Nói là tổ chức nghề nghiệp nhưng người đứng đầu các hiệp hội lại thường là các công chức hành chính kiêm nhiệm, các quan chức nghỉ hưu thành ra nó ít có tính đại diện. Rất nhiều ví dụ cho thấy, một tổ chức lập ra với chức năng hỗ trợ DN nhưng cuối cùng lại làm khó chính đối tượng mình cần hỗ trợ, đó là điều khó chấp nhận. Cần mạnh dạn trả các tổ chức nghề nghiệp, đại diện cộng đồng DN cho các doanh nhân -   có đủ uy tín trong cộng đồng DN và đủ uy tín quốc tế để thực hiện chức năng quan trọng nhất là thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.