Phí ATM, cho em xin !

31/12/2012 03:40 GMT+7

Những ngày cuối cùng của năm 2012 trôi qua có lẽ chậm và lo hơn mong đợi của nhiều người, khi có thêm thông tin về một loại phí sẽ được thu trong năm mới. Phí rút tiền ATM nội mạng được "ký" thu ngay khi những hình ảnh của nhiều công nhân xếp hàng giữa trời nắng chờ rút tiền được đăng tải, khiến dư luận không khỏi chạnh lòng.

Những ngày cuối cùng của năm 2012 trôi qua có lẽ chậm và lo hơn mong đợi của nhiều người, khi có thêm thông tin về một loại phí sẽ được thu trong năm mới. Phí rút tiền ATM nội mạng được "ký" thu ngay khi những hình ảnh của nhiều công nhân xếp hàng giữa trời nắng chờ rút tiền được đăng tải, khiến dư luận không khỏi chạnh lòng.

Điều đó cho thấy các ngân hàng (NH) đang tăng thu trong khi cơ sở hạ tầng và dịch vụ cung cấp thiếu chất lượng. Những chuyện máy nuốt thẻ, máy hết tiền, máy bị rò điện, máy hư... cứ "lai rai" quanh năm và bùng nổ vào dịp lễ, dịp cuối năm.

Bao lâu nay vẫn thế, vẫn không được cải thiện. Ngành NH nói rằng, họ thu tiền để bù đắp chi phí hạ tầng và vận hành dịch vụ ATM bởi họ đã chịu lỗ nhiều năm qua. Nói vậy là thiếu sòng phẳng vì nó "hàm ý" ATM như dịch vụ "cộng thêm" của NH dành cho khách. Trong khi trên thực tế, nếu xét về phí, ATM là "vô địch".

Chỉ cần đếm sơ cũng được hơn chục loại phí mà các chủ thẻ đang phải trả khi sử dụng dịch vụ này. Nào là phí phát hành thẻ lần đầu, phí phát hành lại thẻ bị mất, phí cung cấp lại mã PIN, phí đổi mã PIN, phí quản lý tài khoản thẻ, phí chuyển khoản ngoại mạng, phí rút tiền ngoại mạng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê, phí trả lại thẻ bị nuốt tại máy ATM, phí cung cấp bản sao hóa đơn tại đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng khác, phí phát hành thay thế thẻ hết hạn, phí dịch vụ phát hành thẻ nhanh theo yêu cầu, phí báo tin nhắn số dư tài khoản, phí sử dụng dịch vụ e-banking…

Không chỉ thế, các loại phí này còn sinh lợi không nhỏ cho các NH. Đơn cử theo quy định, chủ thẻ bị giữ lại 50.000 đồng trong tài khoản, với hơn 40 triệu thẻ ATM đã được phát hành, số tiền lớn này NH toàn quyền sử dụng. Một thống kê từ Vụ Thanh toán NH Nhà nước cho thấy chỉ tính hết tháng 6.2012, số dư trên toàn hệ thống lên tới 70.000 tỉ đồng.

Số tiền này chỉ được trả lãi không kỳ hạn tối đa 2%/năm trong khi với nghiệp vụ cho vay qua đêm, NH hoàn toàn kiếm được mức lãi suất cao gấp hàng chục lần. Ngoài ra, họ còn kiếm thêm được từ dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, bảo hiểm, học phí... qua ATM. Với ưu thế này, lẽ ra ngành NH phải lo nâng cấp chất lượng dịch vụ cho tương xứng với "trận địa" phí đã thu thì ngược lại, họ lại tiếp tục thu thêm phí rút tiền nội mạng cũng như tăng phí một số loại dịch vụ khác.

Sử dụng dịch vụ thì phải đóng phí, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng cũng đương nhiên, đóng phí là để được hưởng dịch vụ thỏa đáng. Chỉ xét riêng góc độ sòng phẳng giữa người cung cấp và người sử dụng, ngành NH cũng không nên thu và tăng phí như nói trên. Xét ở góc độ đầu tư, NH muốn thu lợi thì phải bỏ tiền đầu tư chứ không thể bắt các chủ thẻ đầu tư thay bằng cách thu phí rút tiền nội mạng thế này. Ở góc độ rộng hơn, trong bối cảnh còn quá khó khăn hiện nay, nếu ngành nào cũng nhắm vào phí, cũng tận thu bằng mọi hình thức thế này thì kinh tế sẽ đi về đâu?

Những quy định, những chính sách bào mòn sức khỏe của người dân, bào mòn sức mua của nền kinh tế như thế thì “cho em xin”, cần phải dừng lại ngay lập tức nếu chúng ta thật sự muốn giải phóng tồn kho, kích thích tiêu dùng, phát triển kinh tế.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.