Oằn mình gánh phí

26/05/2015 06:08 GMT+7

Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật Phí và lệ phí được nâng lên từ pháp lệnh. Đây được coi là một trong số những dự luật rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình trạng phí chồng phí, thu phí trái thẩm quyền, thu phí vô lý khiến người dân phải oằn mình gánh chịu, dư luận đang vô cùng bức xúc.

Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật Phí và lệ phí được nâng lên từ pháp lệnh. Đây được coi là một trong số những dự luật rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình trạng phí chồng phí, thu phí trái thẩm quyền, thu phí vô lý khiến người dân phải oằn mình gánh chịu, dư luận đang vô cùng bức xúc.

Hơn 13 năm thực hiện pháp lệnh, thống kê cho thấy người dân phải gánh 301 loại phí, lệ phí chính thức trong danh mục (viện phí, học phí, phí cầu đường, phí trước bạ...); cùng với đó là 304 loại phí, lệ phí khác mà ban soạn thảo đã thừa nhận được ban hành trái thẩm quyền, không đúng quy định. Tất cả các loại phí “trên trời” này chắc chắn phải được loại bỏ, nhưng điều quan trọng hơn dự luật phải khẳng định được rằng nếu cơ quan, tổ chức nào ban hành thêm các phí, lệ phí mới ngoài danh mục phải bị xử lý, phải bị truy cứu trách nhiệm.
Dự luật mới tách viện phí, học phí thành giá các dịch vụ có tính đúng, tính đủ chi phí theo yêu tố thị trường. Đó là tư tưởng và xu hướng tiến bộ. Nhưng trên thực tế, vẫn còn những loại gọi là phí, lệ phí đè gánh nặng trên vai của người dân chưa được gỡ bỏ.
Đơn cử như lệ phí trước bạ. Khoản thu này, bản chất chỉ để bổ sung một phần cho chi phí cấp đăng ký sử dụng tài sản, nhưng nó đã bị biến tướng như một loại thuế rất cao đánh vào “nồi cơm” của người dân. Như phí trước bạ đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi đã leo thang từ mức 5%, rồi đến 10%, 20%. Hiện tại Chính phủ quy định 10%, khung cao nhất 15% tùy từng địa phương điều chỉnh. Trong khi, nếu gọi là phí, lệ phí thì chỉ nên thu vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Chẳng hạn mua một chiếc xe, một ngôi nhà, ngoài rất nhiều loại thuế phải nộp lại còn đóng cả trăm triệu đồng tiền gọi là "lệ phí".
Đáng nói, tỷ lệ thu lệ phí trước bạ cao hơn cả thuế, nhưng nhiều năm nay nó vẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Điều mà lẽ ra phải được điều tiết bằng một sắc thuế trước bạ (như tất cả các quốc gia hiện nay đang áp dụng) và được quyết định bởi Quốc hội.
Còn rất nhiều sự biến tướng khác, không chỉ có lệ phí trước bạ. Thực tế, thời gian qua người dân phải gánh cả phí lòng, lề đường; rồi phí an ninh trật tự, phí phòng chống bão lụt... Mới đây, một loạt các loại phí khác như phí BOT đường bộ đang mọc lên, nở rộ với mức thu rất cao.
Phí, lệ phí chỉ là một khoản thu nhỏ để bổ sung cho chi phí hành thu. Bộ máy hành chính nhà nước đã có nguồn thu từ thuế để nuôi dưỡng, không thể vin vào đó tăng thu, siết thu vào ngân sách. Khoan sức dân cực kỳ quan trọng trong điều kiện khó khăn hiện nay. Việc nghiên cứu rà soát, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí có mức thu thấp nhưng chi phí hành thu cao; dừng một số khoản thu không phù hợp là điều cả xã hội đang rất mong đợi từ dự luật này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.