Nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc

23/07/2006 23:55 GMT+7

Kết thúc phiên đàm phán đa phương, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đối với Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Hội nhập, đối tượng chịu tác động đầu tiên và trực tiếp chính là các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, DN là đối tượng bị "soi" nhiều nhất về công tác chuẩn bị trước ngưỡng cửa hội nhập.

Tuy nhiên, nếu chỉ một mình DN thì nỗ lực bao nhiêu cũng không thể đối phó được với "binh hùng tướng mạnh" của thế giới đang rất hăm hở tràn vào thị trường Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành, hiệp hội như thế nào trong việc phối hợp, sát cánh cùng DN trong cuộc cạnh tranh sắp tới?

Trên thực tế, ở những nền kinh tế hùng mạnh và đi đầu trong việc hô hào tự do hóa thương mại như Mỹ và EU thì họ vẫn luôn chuẩn bị đầy đủ các rào cản kỹ thuật để bảo vệ nền kinh tế trong nước như kiện chống bán phá giá; các biện pháp tự vệ và các biện pháp chống trợ cấp. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá được sử dụng nhiều nhất. Đơn cử như vụ kiện chống bán phá giá cá basa của VN vào thị trường Mỹ. Tất cả đều hiểu rằng VN không hề bán phá giá nhưng để bảo vệ quyền lợi kinh tế của hiệp hội nuôi catfish ở một số tiểu bang Mỹ (khi cá basa nhập khẩu từ VN hơn hẳn về chất lượng và giá thành), Mỹ đã khởi kiện VN bán phá giá mặt hàng này và áp đặt thuế suất cho từng DN xuất khẩu cá basa của VN. Tương tự là vụ kiện tôm và gần đây nhất là vụ kiện chống bán phá giá da - giày VN của EU... Cho tới nay, tổng cộng VN phải đối diện với 22 vụ kiện bán phá giá. Điều đó cho thấy, các nền kinh tế lớn trên thế giới luôn "thủ" sẵn rất nhiều hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường nội địa và những nước đang phát triển là nạn nhân chính của những vụ kiện này. Vậy những nước đang phát triển phải làm thế nào để đối phó trước sự tấn công từ các nước phát triển?

Câu trả lời là sử dụng chính những biện pháp mà các nước phát triển đã dùng để khống chế hàng hóa từ các nước đang phát triển. Cách này đã được Trung Quốc khai thác triệt để và rất hiệu quả. Là nạn nhân lớn nhất của các vụ kiện chống bán phá giá, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2005, Trung Quốc phải đối mặt với 33 vụ kiện chống bán phá giá từ các đối tác trên thế giới. Tính tổng cộng trong 20 năm qua, các biện pháp chống bán phá giá mà các nước trên thế giới áp dụng với Trung Quốc đã làm thiệt hại cho nước này tới trên 10 tỉ USD.

Để đối phó, Trung Quốc đã chủ động khởi kiện trong nước để chống lại những hành vi bán phá giá của các công ty nước ngoài để bảo vệ hàng hóa trong nước. Theo báo cáo của WTO, trong giai đoạn từ 1.7 đến 31.12.2005, Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 13 vụ kiện chống bán phá giá và trở thành nước đang phát triển đi kiện nhiều nhất trên thế giới (trước đó là Ấn Độ). Không chỉ Trung Quốc, rất nhiều nước đang phát triển đã áp dụng biện pháp chủ động khởi kiện chống bán phá giá như Ấn Độ, Argentina, Mexico... và Việt Nam hoàn toàn có thể làm như vậy.

Theo các chuyên gia, các bộ, ngành của ta phải nhanh chóng xây dựng các quy định kỹ thuật linh hoạt để chủ động bảo vệ hàng hóa và thị trường nội địa khi Việt Nam gia nhập WTO. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng thành lập một tổ chức chuyên nghiệp để giám sát các vụ kiện chống bán phá giá của các nước nhập khẩu cũng như điều tra hành vi phá giá của các nhà nhập khẩu nước ngoài trên thị trường Việt Nam sau hội nhập. Việc mở cửa là tất yếu nhưng chuẩn bị đối sách thế nào để bảo vệ một cách hợp pháp thị trường trong nước đòi hỏi sự vào cuộc thực sự từ phía Nhà nước.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.