Ngẫm chuyện cướp ấn

16/02/2014 03:00 GMT+7

Nói ra thì dễ bị cằn nhằn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cứ phải nhắc lại. Ấy là chuyện “cướp ấn đền Trần” đang khiến dư luận bức xúc.

Chả đâu xa, Báo Thanh Niên hôm qua 15.2 có lẽ phải kiềm chế lắm khi rút cái tít Náo loạn lễ khai ấn đền Trần, bởi những gì được mô tả trong bài thì còn hơn cả náo loạn.

Hàng vạn người chen chúc, xô đẩy, bộc lộ những hành vi thiếu văn hóa, nhiều người xông tới cố giật lấy những đồ trang trí trên kiệu rước ấn để cầu may, vung ném tiền như mưa để cầu chức tước… Và thất vọng nhất là nơi xuất phát những hành vi này lại từ khu vực trung tâm, nơi chỉ khách “VIP” được ban tổ chức cấp thẻ, gửi giấy mời vào dự lễ khai ấn, càng gây nên sự bất bình.

Đền Trần là nơi linh thiêng, thờ các vua, tướng lĩnh thời Trần có công với dân với nước. Chuyện phát ấn chỉ bùng lên trong hơn chục năm trở lại đây, càng ngày càng “dữ dội”. Từ một nghi lễ cung kính, nó đã trở thành hiện tượng xã hội nóng, thậm chí dung tục, nhuốm màu sắc kinh doanh, sai lệch ngày càng xa ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Có thể những người quản lý, chăm sóc đền Trần (dân gian quen gọi là thủ từ) không hình dung chuyện phát ấn theo truyền thống lại bị méo mó, thậm tệ đến thế, nhưng những nhà quản lý văn hóa, kể cả trung ương lẫn địa phương (tỉnh Nam Định) không thể không biết. Biết mà cứ để hành vi thiếu văn hóa xảy ra hết năm này qua năm khác, càng ngày càng nặng thì phải đặt trách nhiệm của họ lên bàn mổ. Một PGS sử học có nói với tôi rằng đây là sự tha hóa đạo đức có hệ thống và được hỗ trợ từ nhiều phía. Đành rằng các cấp các ngành đã có sự chuẩn bị, phân công phân nhiệm rõ ràng, lập kế hoạch, thậm chí điều động lực lượng chức năng từ trước ngày phát ấn nhằm giữ gìn an ninh trật tự, tạo không gian văn hóa… vậy mà cuối cùng vẫn vô văn hóa, giẫm đạp lên nhau, vượt rào, cướp giật, chửi bới, bất chấp cả sự linh thiêng, thần thánh, chính quyền. Rồi lại rút kinh nghiệm, nhắc nhở, phê bình, và rồi năm sau vẫn thế, nặng hơn. Thật đáng lo.

Điều khó chịu nhất trong những lễ phát ấn đền Trần là “cướp”. Cướp hoa, cướp lộc, cướp lễ, cướp ấn… Hành vi tranh giành, cướp giật bất chấp quy định, đạo lý, tín ngưỡng dù có biện minh với mục đích gì chăng nữa chỉ có thể nói là xấu, rất tệ hại. Ngay tại nơi con người đang cần có văn hóa nhất thì lại cực kỳ vô văn hóa. Đi lễ, xin ấn, cầu mong thánh thần tiên tổ phù hộ cho cuộc sống thành đạt, công danh may mắn chả phải là điều đáng trách. Chỉ trách ở chỗ những con người ấy muốn được thăng quan tiến chức, làm ông nọ bà kia không phải bằng con đường chính đạo mà bằng thái độ và hành vi của kẻ cướp. Ngày xưa các cụ dạy con cháu phải siêng năng học hành, nỗ lực rèn luyện thì mới “cướp được công danh”, cướp mà không phải cướp. Còn bây giờ, cái bộ phận không nhỏ tầm thường kia, trong đó không ít là cán bộ muốn tìm đường tắt bùn nhơ, muốn chễm chệ trên địa vị xã hội bằng thói hủ bại. Đáng giận và đáng thương hại. Họ có trình độ, hiểu biết nên không thể bảo đó là hành vi bồng bột nhất thời. Dù họ có cướp được bao nhiêu ấn đi chăng nữa thì tin chắc không có thánh thần nào độ trì cho họ. Dân lại càng không.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.