Nên ‘tổng kiểm tra’ thường xuyên

17/05/2015 05:24 GMT+7

Câu thành ngữ 'mất bò mới lo làm chuồng', 'cháy nhà mới đi tìm nước' để chỉ những người không biết lo liệu, đề phòng, để hỏng việc mới ứng cứu, đúng trong nhiều trường hợp cuộc sống, cả với ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều tình huống quản lý.

Câu thành ngữ “mất bò mới lo làm chuồng”, “cháy nhà mới đi tìm nước” để chỉ những người không biết lo liệu, đề phòng, để hỏng việc mới ứng cứu, đúng trong nhiều trường hợp cuộc sống, cả với ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều tình huống quản lý.

Tai nạn xe khách nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, cơ quan quản lý vội tuyên bố “tổng kiểm tra phương tiện vận tải trên cả nước”; vỡ đập thủy điện gây thiệt hại về người và của thì “tổng kiểm tra an toàn các hồ đập thủy điện”; Cứ hễ đến dịp lễ, tết lại thấy các cơ quan chức năng rầm rộ tuyên bố “tổng kiểm tra” vệ sinh an toàn thực phẩm, “chấn chỉnh” tình trạng chặt chém ở các khu du lịch, xe nhồi nhét khách… Nhưng tất tật các cuộc ra quân rầm rộ ấy đều kết thúc không kèn, không trống. Không ai biết, kết quả thực sự của những cuộc tổng kiểm tra, rà soát ấy ra làm sao.

Còn nhớ, khi vụ rơi dầm thép tại công trình đường sắt trên cao Hà Nội làm chết người hôm 6.11.2014, các cơ quan chức năng cũng tuyên bố “tổng rà soát, kiểm tra an toàn lao động tại các dự án đường sắt đô thị Hà Nội”. Chả hiểu, các cơ quan liên ngành đã rà soát cái gì, hay chỉ kiểm mà không tra? Bởi vì, trong khi, thậm chí nguyên nhân thực sự của tai nạn còn chưa được công bố thì tai nạn lại xảy ra, với đúng kịch bản cũ, lỗi vẫn liên quan đến chiếc cần cẩu, trong quá trình thi công.

Sau 2 sự cố liên tiếp sập cần cẩu và rơi dầm thép hôm 12.5.2015 ở dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vừa qua, một lần nữa, tổ công tác liên ngành lại được lập để kiểm tra “an toàn” của dự án. Người ta có quyền nghi ngờ tính hiệu quả của kiểu kiểm tra chạy theo vấn đề phát sinh như thế này. Đó là chưa kể “mất bò mới lo làm chuồng”, để việc hỏng mới lo cứu chữa, không phải là hành xử của người khôn ngoan.

Nếu như các “tổ công tác”, “đoàn thanh tra” ở các dự án đường sắt đô thị Hà Nội nói riêng, ở tất cả các lĩnh vực khác nói chung hoạt động thường xuyên, liên tục, với mục đích bảo đảm sự tuân thủ của luật pháp - chứ không phải để đối phó với dư luận - thì có lẽ nỗi sợ hãi của người tham gia giao thông Hà Nội đã không gia tăng như vậy, cũng như các tồn tại xã hội sẽ được giải quyết triệt để hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.