Luật đã có, cứ làm nghiêm

15/03/2015 03:00 GMT+7

Tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được đạt quá thấp (10%) là do có những loại hình tham nhũng mới (chẳng hạn như tham nhũng tình dục) khiến cho khái niệm “thu hồi tài sản” theo luật định rất khó xác định, là tiền đề một cuộc tranh luận tại cuộc hội thảo do Ban Nội chính T.Ư tổ chức hôm 13.3.

Tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được đạt quá thấp (10%) là do có những loại hình tham nhũng mới (chẳng hạn như tham nhũng tình dục) khiến cho khái niệm “thu hồi tài sản” theo luật định rất khó xác định, là tiền đề một cuộc tranh luận tại cuộc hội thảo do Ban Nội chính T.Ư tổ chức hôm 13.3.

 Thoạt tiên thì thấy, việc tranh luận này có vẻ rất hay, nó đề cập đến một vấn đề gai góc. Thế nhưng, nếu xem xét một cách có hệ thống thì thấy tranh cãi thật là thừa, bởi luật pháp đã có quy định về vấn đề này khá đầy đủ, toàn diện. Luật Phòng, chống tham nhũng và bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước”; “Người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Nhưng vấn đề là, trên thực tế, nó ít được thực hiện vì lý do này hoặc lý do khác; Tòa ít khi áp dụng hình phạt bổ sung là “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” hoặc tài sản bị tịch thu, thu hồi chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi không có công cụ để đánh giá, phân biệt tài sản trước tham nhũng và tài sản do tham nhũng mà có.
Cho nên, vấn đề của chống tham nhũng hiện nay không phải do thiếu các quy định mà cái chính là việc chấp hành, thực thi pháp luật chưa đến nơi đến chốn. Tham nhũng gì thì cũng có cách xử nghiêm minh, vấn đề là chúng ta có thực sự muốn làm hay không mà thôi. Chẳng hạn, nếu phát hiện “tham nhũng tình dục” kiểu hối lộ tình dục đổi lấy chức tước, quyền lợi thì “thu hồi” luôn chức vụ của người tham nhũng và chức tước, quyền lợi của người hối lộ.
Bàn các chế tài hành vi tham nhũng (tịch thu tài sản chẳng hạn) cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải kết hợp chặt chẽ với công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm những án tham nhũng. Chẳng hạn, không chỉ là phải xử lý nghiêm mà cần đưa các án tham nhũng lớn ra xét xử công khai nơi địa phương mà quan tham cư trú, để dư luận phán xét và “đối xử”. Một khi tăng quyền làm chủ và sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thì các tài sản do tham nhũng mà có chắc chắn sẽ bị “lòi” ra dưới sự giám sát của nhân dân.
Hiện chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Vì thế, việc kêu gọi tự giác là cần thiết nhưng chưa đủ. Chống tham nhũng cần làm tốt hai việc: Thứ nhất, quyền lực phải được kiểm soát. Thứ hai, cần phải có công cụ kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức, những người có quyền lực. Khi kiểm soát được tài sản, thu nhập quan chức thì chả cần bàn đến việc phải thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.