Lòng tin

14/04/2011 00:32 GMT+7

Lạm phát cao do nhiều nguyên nhân: có nguyên nhân do chi phí đẩy, có nguyên nhân do cầu kéo, nhưng có một nguyên nhân tưởng rằng phi kinh tế, nhưng lại là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát của các chủ thể trên thị trường; hơn nữa, đó còn là lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Chính các yếu tố này đã tác động trên nhiều mặt. Một mặt, người dân có tâm lý sợ đồng nội tệ bị mất giá, đồng vốn bị bào mòn nên ưu tiên đẩy tiền ra nhanh hơn là giữ. Động thái đó càng làm cho vòng quay đồng tiền nhanh hơn, hệ số nhân tiền tăng lên, càng làm cho tiền nhiều hơn hàng, càng làm cho lạm phát gia tăng.

Mặt khác, đồng vốn sẽ chảy mạnh vào vàng, USD, bất động sản - những nơi mà nhiều người cho rằng là chỗ trú ẩn an toàn trong điều kiện lạm phát cao. Điều này lý giải tại sao dự trữ ngoại hối (bao gồm vàng, ngoại tệ) của nhà nước bị “bào mòn”, trong khi lượng vàng, ngoại tệ ở trong dân, trong doanh nghiệp rất lớn (ước tính lượng vàng lên đến 500 tấn, tương đương với khoảng 25 tỉ USD; lượng USD mặt, tiết kiệm, số dư tài khoản tiền gửi cũng không nhỏ). Xét dưới dạng dự trữ, thì đây là một lượng vốn tồn đọng rất lớn; nếu xét về phương tiện thanh toán, khi số vàng, USD này “nhảy” ra thị trường, tạo thành 3 “đồng tiền”, thì tiền càng nhiều hơn hàng, càng đẩy lạm phát lên cao. Mặt khác nữa lượng nội tệ gửi tiết kiệm không tăng, do lãi suất tiết kiệm không đủ hấp dẫn, trong khi nỗi lo giá vàng, giá USD tăng cao hơn.

Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, vấn đề quan trọng hàng đầu là ổn định tâm lý, nâng cao lòng tin của các chủ thể trên thị trường. Về chính sách, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra các giải pháp có tính đồng bộ, quyết liệt. Điều quan trọng là việc tổ chức thực hiện. Về mặt này, hiện có một số vấn đề đáng quan tâm.

Một, việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cần phải nhất quán, kiên định thực hiện mục tiêu này không chỉ trong quý 2, quý 3, mà cả trong quý 4 năm nay và những tháng đầu của năm sau.

Hai, cần có sự phối hợp, chia sẻ, đồng thuận trong việc thực hiện mục tiêu. Chính sách tài khóa cần phải chia sẻ nhiều hơn gánh nặng của chính sách tiền tệ. Thị trường vàng, ngoại tệ sẽ bị bất ổn trở lại nếu giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, bị lơi lỏng, không thường xuyên... và những vướng mắc (như việc mua bán vàng miếng, việc mua ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng…) giải quyết chậm trễ hoặc thiếu thuận tiện.

Ba, các thông tin về dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán... lãi, lỗ của các doanh nghiệp mà nhà nước định giá (điện, xăng dầu, than,...) cần được công bố rộng rãi; việc phân tích, dự báo cần được tăng cường và có độ tin cậy cao.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.