Không hiệu quả

10/09/2012 03:40 GMT+7

Giá vàng tăng cao, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bị "nới" rộng, vàng giả SJC xuất hiện ngày càng nhiều... Những vấn đề tồn tại lâu nay trên thị trường vàng không được giải quyết mà còn trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng.

Giá vàng tăng cao, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bị "nới" rộng, vàng giả SJC xuất hiện ngày càng nhiều... Những vấn đề tồn tại lâu nay trên thị trường vàng không được giải quyết mà còn trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng.

Còn nhớ khi NHNN quyết định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC (đây là thương hiệu được chọn là thương hiệu vàng quốc gia), rất nhiều người đã kỳ vọng với cơ chế, chính sách và "quyền lực" trong tay, NHNN sẽ bình ổn thị trường vàng. Bởi trước đó, thị trường này luôn rơi vào tình trạng cầu ảo, tạo khan hiếm giả tạo, đẩy giá vàng lên cao; nếu NHNN đứng ra sản xuất và cung ứng vàng ra thị trường thì điều này đương nhiên sẽ được giải quyết.

Nói nôm na rằng, nếu cầu cao thì NHNN sẽ đưa vàng ra đáp ứng. Như vậy, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp, cung - cầu cân đối, tỷ giá ổn định và vàng lậu cũng bị hạn chế. Nhưng thực tế như nói trên, hoàn toàn ngược lại. Những vấn đề trên thị trường vàng không được giải quyết, thậm chí còn nảy sinh thêm chuyện vàng giả SJC loại 2 chỉ do "độ vênh" giữa vàng phi SJC và SJC vẫn cao nên kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.

Điều cần nói, cầu trên thị trường trước đây từ phía người dân thì nay chuyển sang các NH. Vàng đưa ra bao nhiêu, họ lao vào "hốt" sạch bấy nhiêu nên giá vàng tăng vọt, nhiều phiên đi ngược với giá thế giới và khoảng cách giữa giá vàng trong và ngoài nước bị kéo lên tới gần 3 triệu đồng/lượng.

Giải thích vấn đề này, một số ý kiến cho rằng các NH đang thực hiện cắt lỗ khi mua vàng ở mức giá thấp cách đây vài tháng rồi chuyển sang tiền đồng để cho vay hưởng lãi suất cao. Không ngờ giá vàng tăng vọt, lãi suất tiền đồng không đủ bù nên họ phải mua vàng cắt lỗ. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do này, chắc chắn các NH không "hụt" vàng tới mức đó.

Một lý do quan trọng nhưng không được nói ra là một số NH đã và đang âm thầm thực hiện nghiệp vụ bán khống vàng. Nghĩa là NH cho nhà đầu tư vay vàng bán ra. Khi vàng giảm, họ mua trả lại, hưởng chênh lệch và chịu lãi suất. Tuy nhiên, do giá vàng tăng, khách hàng bị lỗ nên nhiều người chưa thực hiện hợp đồng khiến NH bị hụt vàng.

Trong bối cảnh đó, một số NH đang bị thanh tra nên buộc phải lao ra thị trường mua vàng để bù đắp, dẫn đến nhu cầu trên thị trường tăng vọt với các hệ quả như nói trên. Sở dĩ các NH làm được điều này là do NHNN cho một số NH huy động và bán vàng ra nên họ đã "biến tấu" thành hình thức bán khống như nói trên. 

Nói tới nói lui, nguyên nhân dẫn đến những rối loạn, rủi ro của thị trường vàng vẫn là cơ chế, chính sách, cách điều hành, quản lý cũng như việc buông lỏng giám sát của cơ quan quản lý. Việc độc quyền vàng nhưng cung không đủ; tạo độc quyền cho một nhóm được phép mua - bán vàng; quản lý lỏng lẻo để biến tướng bán khống vàng... Đây cũng là câu trả lời chính xác nhất cho giải pháp độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN nhằm bình ổn thị trường vàng. Đó là không hiệu quả.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.