Khôi phục lòng tin

08/04/2013 03:20 GMT+7

Ngay trong buổi đầu "xét tuyển" hồ sơ mua nhà xã hội cho công chức, viên chức trên địa bàn TP.HCM do Sở Xây dựng thực hiện cuối tuần qua, đã có 255 trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đây là kết quả cụ thể nhất, sớm nhất sau chương trình cho vay lãi suất 6%/năm mua nhà của Chính phủ và đặc biệt là sau khi Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống.

Ngay trong buổi đầu "xét tuyển" hồ sơ mua nhà xã hội cho công chức, viên chức trên địa bàn TP.HCM do Sở Xây dựng thực hiện cuối tuần qua, đã có 255 trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đây là kết quả cụ thể nhất, sớm nhất sau chương trình cho vay lãi suất 6%/năm mua nhà của Chính phủ và đặc biệt là sau khi Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống.

Quyết tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ, nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất mua nhà, là câu trả lời chính thức cho cuộc tranh cãi ồn ào suốt những ngày qua: Chính phủ không bỏ rơi bất động sản (BĐS). Và dù không ủng hộ, dù "ác cảm" với ngành này đến bao nhiêu thì việc 255 công chức, viên chức đầu tiên có cơ hội tiếp cận vốn rẻ để sở hữu một căn nhà phải khẳng định là điều rất đáng mừng. Đặt trường hợp chúng ta "để BĐS rơi tự do", chắc chắn những người trên và hàng ngàn, hàng triệu công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp khác... chưa thể "chạm" tới giấc mơ có một căn hộ riêng nhanh đến như vậy. Bởi có một sự thật không thể phủ nhận là nếu có để BĐS rơi tự do thì ngay cả trong trường hợp giá giảm thêm 30 - 50% đi nữa, chắc gì cơ hội đã đến được tay người nghèo. Đó là chưa kể, rất khó để có được mức giảm này như nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và cả nhà quản lý đã phân tích. Vậy thì trong chừng mực có thể, việc Chính phủ hỗ trợ những đối tượng thu nhập thấp, chưa có nhà tiếp cận với cơ hội sở hữu một căn hộ, là điều hết sức cần thiết. 

Vấn đề đặt ra là tại sao một chương trình hỗ trợ lãi suất cho người có thu nhập thấp mua nhà vẫn bị phản ứng mạnh mẽ như vậy? Tại sao chúng ta vẫn "ngưỡng mộ" những thành phố hiện đại, nhà cửa khang trang nhưng lại dị ứng với BĐS cao cấp; tại sao nhu cầu vẫn lớn nhưng chương trình hỗ trợ dù mục tiêu nhắm vào phân khúc nhà xã hội mà lâu nay chúng ta luôn kêu thiếu nguồn cung vẫn bị một số người tẩy chay? Câu trả lời: chính là lòng tin. Lòng tin bị xói mòn sau nhiều năm khó khăn, sau những khuất tất thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước, sau việc tăng giá thiếu minh bạch những ngành - nghề độc quyền, sau đầu cơ đẩy giá nhà đất lên trời, sau lạm phát và lãi suất cao... Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là khôi phục lòng tin.

Nhưng chỉ trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng thôi thì chưa đủ. Đây còn là lúc sử dụng tổng thể các giải pháp, cơ chế để "tháo" nguồn cầu trên thị trường.  Hiện VN đang có những quy định chặt chẽ hơn so với hầu hết các nước trong khu vực trong vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài. Nên đã 5 năm trôi qua kể từ khi thí điểm cho phép các đối tượng này mua nhà nhưng mới chỉ có khoảng 400 trường hợp được sử hữu nhà tại VN theo con đường “chính thức”. Đây cũng là lúc nên có các giải pháp tạo đột phá để "thông" cầu ở phân khúc tiềm năng này.

Nếu sau TP.HCM, các tỉnh- thành trên cả nước cũng thực hiện triển khai và công bố cụ thể số lượng, danh sách những người đủ điều kiện vay vốn mua nhà lãi suất 6%/năm...; nếu các doanh nghiệp BĐS thực sự "tái cấu trúc" về chất lượng sản phẩm, thời hạn giao nhà, dịch vụ hậu mãi, giá cả hợp lý... chắc chắn lòng tin sẽ được khôi phục. Đây cũng chính là cơ hội để kích hoạt một loạt các ngành công nghiệp sản xuất liên quan, tạo đà vực dậy nền kinh tế.

Nguyên Khanh

>> Xét chọn các trường hợp xin mua nhà xã hội
>> Doanh nghiệp kinh doanh nhà đầu tiên xin chuyển dự án sang nhà xã hội
>> Người mua nhà xã hội chỉ chịu được lãi vay 6%/năm
>> Dốc sức xây nhà xã hội
>> Cho vay ưu đãi mua nhà xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.