Khoán xe công

31/12/2005 00:08 GMT+7

Nhiều người hoan hỷ khi nghe tin Bộ Tài chính vừa có đề án trình việc "khoán xe công", tức là đưa một phần chi phí ngân sách phải trang trải cho việc sử dụng xe con dành cho, cấp cho cấp thứ trưởng trở xuống vào lương của họ để tiết kiệm lãng phí ngân sách của dân. Mặt khác, những quan chức này cũng có thêm thu nhập thường xuyên. Hai bên đều có lợi.

"Dự án" sẽ được thực hiện thí điểm ngay tại Bộ Tài chính. Theo ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ nguyên để đưa ra chính sách này là xưa nay xe công không chỉ để đưa đón các vị này từ nhà đến cơ quan và đi họp hành mà còn được sử dụng vào nhiều việc riêng khác khó có thể kiểm soát được. Vậy ở đây có hai yếu tố cần được cân nhắc khi đưa ra và thực hiện đề án này: tiết kiệm ngân sách Nhà nước đến đâu và việc kiểm soát thực hiện chính sách này như thế nào ?

Nếu khoán xe công có nghĩa Nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng trên dưới 7 triệu đồng/tháng cho một xe, đó là chưa tính đến tiền mua xe. Đây là khoản khá lớn. Tuy nhiên, nếu ta coi xe con chỉ là phương tiện phục vụ công tác cho những vị quan chức này thì không cần phải mua những chiếc xe đắt tiền, xa xỉ không nhất thiết phải "đổi xe mới" cho "quan mới" và nếu chỉ dùng xe công để đưa đi đón về và đi họp thì chi phí rõ ràng thấp hơn nhiều so với những gì chúng ta ước tính ở trên. Lẽ dĩ nhiên nếu không có những chi phí này, dù có tiết kiệm nhất, thì vẫn hơn. Nhưng, bài toán kinh tế ở đây lại nằm ở hai thông số khác: có dám khoán gọn việc dùng xe công hay cũng chỉ khoán nửa vời, tức là sẽ chỉ không đưa đi và đón về, còn vẫn cho phép các vị này dùng xe đi họp...? Và thông số thứ hai quan trọng hơn cả là việc quản lý việc sử dụng xe công sau khi khoán sẽ như thế nào.

Nếu ta đã dám khoán việc sử dụng xe công thì nên khoán "trọn gói", có nghĩa là các quan chức từ thứ trưởng trở xuống không được phép sử dụng xe công đưa đón và đi họp trong phạm vi địa lý nhất định (ví dụ, trong phạm vi thành phố, thị xã...) và chỉ được sử dụng xe công cho những chuyến đi công tác ngoại thành, ngoại tỉnh. Nếu chỉ khoán "nửa vời" mà vẫn cho phép đưa các quan chức đó đi họp hành hằng ngày với lịch biểu họp hành bận rộn như chúng ta biết thì rất có thể vị quan chức "đi họp từ nhà" và họp xong về cơ quan làm việc thì lẽ đương nhiên xe vẫn lại đưa đi đón về. Tất nhiên không phải ngày nào cũng có cuộc họp từ đầu giờ sáng, nhưng thử hỏi liệu ai có thể "kiểm soát" việc họp hành của những vị này. Thực tế trước đây một số địa phương đã có quy định tương tự, nhưng một số quan chức đã "lách luật" bằng cách như trên và mặc nhiên xe đưa đón đi họp trở thành xe đưa đón hằng ngày. Mặt khác, nếu vẫn cho phép những vị này dùng xe công đưa đi họp hành thì về lý thuyết họ vẫn phải có một xe riêng và một lái xe riêng để túc trực đưa đón đi họp, bởi lẽ, cũng trên lý thuyết thì các vị này có thể phải đi họp trong cùng một khoảng thời gian. Và như vậy thì ngân sách Nhà nước liệu có tiết kiệm được hơn không, hay lại còn tốn kém hơn bởi vì phải thêm một khoản bổ sung vào lương hằng tháng của các vị quan chức này?

Nhiều cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế ở Việt Nam có chính sách chỉ dành xe cơ quan đưa đón người đứng đầu cơ quan, tất cả những người còn lại chỉ được sử dụng xe để đưa đi họp hành hoặc những việc công của cơ quan. Cơ quan có vài chiếc xe công và ai đăng ký trước để dùng xe đi họp (bất luận người đó là sếp hay nhân viên) thì người đó được dùng xe, ai đăng ký sau thì dùng taxi rồi cơ quan thanh toán hoặc dùng phương tiện riêng của mình. Nếu ta không khoán gọn việc dùng xe công như đã nói ở trên thì thiết nghĩ mỗi cơ quan chỉ nên có một hoặc hai chiếc xe công dùng chung cho bốn hoặc năm vị thứ trưởng dùng để đi họp và nếu người khác đã đăng ký trước rồi thì các vị còn lại phải tự túc phương tiện. Có như vậy thì mới tránh được tâm lý mỗi người một xe riêng của mình và phải tự nhìn nhau khi sử dụng xe công cho việc họp hành. Vài đôi lần “họp trùng” trong một tháng phải đi xe máy như các cán bộ thuộc quyền của mình cũng có thể nên "thông cảm" được. Hơn nữa, khi khoán rồi thì có lẽ nhiều vị cũng sẽ dùng xe máy đi làm hằng ngày chứ chưa chắc dám đi taxi hoặc thuê xe riêng.

Hoan nghênh tư tưởng thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, nhưng có lẽ chúng ta cần cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng thiệt hơn về mọi phương diện để làm sao bài toán khoán xe công thực sự có nghĩa và tránh việc "đánh trống bỏ dùi" như những chính sách tương tự từ trước đến nay.

Lưu Tiến Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.