“Khoán sản phẩm” văn hóa

18/01/2013 04:40 GMT+7

Một cán bộ của Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) trong câu chuyện bên lề từng than về việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các ban quản lý di tích. Ngoài chuyện đa dạng của các kiểu cơ chế ban quản lý, còn có cái khó là tiến độ phải soạn thảo. Làm không kịp tiến độ, nhẹ thì bị nhắc, nặng có thể ảnh hưởng thi đua.

Như vậy, việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng là chuyện phải “khoán sản phẩm” đến từng cục, từng vụ.

Nhưng văn hóa, như chính người phát ngôn của Bộ - ông Phạm Đình Tân - nhận thức là chuyện liên quan đến từng nhà, tới ma chay, cưới xin, bài ca được nghe, bộ phim được xem nên vô cùng khó. Khó, vì nó vận hành trên cơ chế vô cùng tự nguyện. Chẳng ai có thể bắt một người trở thành nhà văn hóa, hay thanh lịch nếu nội lực của họ không đủ. Càng không thể bắt người ta làm một việc mà với nền văn hóa của họ, họ thấy không ổn. Trên cái nền như thế, những quy định văn hóa chưa đủ chín vì bị “khoán sản phẩm” quy phạm pháp luật.

Những kiểu chín ép khá đa dạng. Có thứ “trên gió trên mây” như quy định không sử dụng cửa kính quan tài trong Nghị định 105 về việc tang. Có loại “vô thưởng vô phạt” như quy định không đốt vàng mã tại nơi an táng cũng trong nghị định trên. Giải thích về quy định này, ông Hồ Trí Hùng, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ VH-TT-DL cho rằng thường thì tại nơi an táng thoạt đầu các gia đình không mấy khi đốt vàng mã. Còn những lần đốt mã khi gọi hồn, ở chỗ khác thì không bị cấm. Liệu có phải vì không đụng chạm như thế nên Bộ mới ra quy định như vậy? Lại có kiểu như trong dự thảo về hoạt động mỹ thuật mới đây, quy định phải có phần cho mỹ thuật trong công trình công cộng. Nhưng quy định cứ “vò võ” một mình còn vận hành ra sao cũng chưa có gì cụ thể cả.

Xâu chuỗi nhiều quy định như vậy lại, thấy phần cấm cụ thể bao nhiêu, phần vận hành cho phát triển văn hóa lại thiếu cụ thể bấy nhiêu. Hình như, phải cấm để “chặn” sự cố cho nhà quản lý đã, còn mọi chuyện tính sau. Y như trong một ván cờ, người chơi chỉ nhắm chặn đường đi của đối thủ thì thua mười phần chắc chín. Vì thế, những chủ trương văn hóa tốt chỉ dừng trên giấy. Thấy rõ nhất, di sản văn hóa phi vật thể cứ liên tiếp được tôn vinh, hồ sơ dày dặn đưa ra thế giới ngốn không ít kinh phí mà nghệ nhân lão thành như bà Hà Thị Cầu cả đời chỉ ước cái thẻ bảo hiểm y tế vẫn không thành.

Nhiều phóng viên, trong câu chuyện với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, thấy vị này cho rằng sân khấu miền Bắc thiệt thòi so với miền Nam. Rằng, chỉ riêng chuyện mấy tháng rét sướt mướt đã đủ “cầm chân” khán giả không tới rạp rồi. Nên sân khấu miền Nam cứ chờ nhé chuyện ngành đốc thúc sở phải giúp đỡ các anh chị địa điểm diễn. Cho dù điều này nằm trong chính sách xã hội hóa sân khấu từ lâu. Vì thế nhà hát phía Bắc có ít khán giả cũng chưa cần xốc tới hỗ trợ sao cho thói quen đi xem trở lại. Người làm chính sách kém dấn thân thế thì mong gì văn hóa đi lên.

Tư duy “khoán” đã lan tới phạm vi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến kém chất lượng, suy cho cùng nhiều phần do tầm văn hóa.

Trinh Nguyễn

>> Bức tranh văn hóa chưa hoàn chỉnh
>> Giữ bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập
>> Đề nghị xem lại quy định “không dùng cửa kính trên quan tài”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.