Khi công bộc gần dân

12/02/2013 12:50 GMT+7

(TNO) Tình trạng những công bộc của dân hiện đang xa dân, vô cảm trước nỗi khổ của dân hiện không phải là chuyện hy hữu. Nó khá phổ biến ở nhiều địa phương cũng như ở Trung ương, khiến Đảng và Nhà nước không khỏi lo lắng. Xong cũng không nên coi đó như một việc quá bi quan. Có xuống cơ sở, chúng ta mới thấu hiểu phần nào sự vất vả của những người cán bộ có trách nhiệm trước dân không phải không có.

(TNO) Mới đây trong chuyến đi làm công tác xã hội của Báo Thanh Niên (phối hợp với Công ty cổ phần Yến ViệtTập đoàn Vina capital thực hiện chương trình “Áo ấm cho em” ở một số địa phương trong cả nước) tôi có dịp được gặp những “quan” xã không hề xa dân, khiến tôi cũng cảm nhận được nhiều điều bổ ích.

>> Sinh viên mang tết đến với bệnh nhân nghèo
>> Tết đến rồi !
>> Nghệ sĩ mang Tết đến người nghèo
>> Mang Tết đến công nhân nghèo

Tại xã Thượng Cửu (H.Thanh Sơn, Phú Thọ) một xã vùng trung du có nhiều dân tộc sinh sống với một diện tích lớn tới trên 70 km2 (ngang với một huyện giáp bên là Thanh Thủy) nhưng còn rất nghèo, cần sự giúp đỡ. Ông Bùi Quang Doanh, Bí thư Đảng ủy xã, sau khi trao áo ấm cho các cháu học sinh ở Trường THCS Thượng Cửu đã mời đoàn chúng tôi vào phòng họp của các thầy cô dùng chén trà nóng, những mong xua đi cái lạnh của vùng núi nơi đây. Chưa kịp ngồi ấm chỗ thì ngoài cửa phòng có giọng một phụ nữ nói oang oang, kêu rằng tại sao nhà bà không được chúng tôi tặng áo.

Có lẽ vì thấy khó xử và hơi tế nhị với khách nên cả ông bí thư lẫn ông chủ tịch UBND xã đều bật khỏi ghế ra gặp bà để nghe trình bày. Vì bà là người dân tộc, tôi chỉ nghe được đoạn bà nói tiếng Kinh lúc đầu, nhưng nhìn khuôn mặt khắc khổ, chân tay còn đầy bùn ướt và lấm lem áo quần, tôi hiểu rằng, họ đang bức xúc khi thấy đoàn chúng tôi trao quà cho các cháu mà sao gia đình bà không được. Bà nói rằng nhà bà rất nghèo và chồng thì nằm liệt giường cả năm rồi nhưng sao chả thấy có quà như các cháu mà bà vừa nhìn thấy.

Ông Bùi Quang Doanh nói rằng: "Hôm nay là quà trao cho các cháu học sinh. Nhà chồng chị ốm ra sao, chúng tôi biết cả. Nhưng hôm nay không trao quà cho đối tượng như chồng chị. Chị cứ yên tâm, ít ngày nữa gia đình chị cũng sẽ được nhận quà Tết. Món quà này sẽ lớn hơn chiếc áo mà chị nhìn thấy. Thôi, cứ yên tâm về đi! Chúng tôi đảm bảo".

Và rồi đến lượt ông chủ tịch phân trần thêm với chúng tôi: "Cách đây ít bữa, chính tôi đã phải thay mặt chính quyền xã sang bên lâm trường bên cạnh ký bảo lãnh cho gia đình chị ấy khỏi bị phạt vì để cho con dắt trâu vào vùng cấm, phá hại cây trồng của họ. Tôi có nói với bên đó rằng nhà họ nghèo lắm, lấy tiền đâu bây giờ để nộp phạt. Mong lâm trường tha cho lần này…".

"Nói vậy để thấy anh em chúng tôi tuy phải quản lý một địa bàn khá rộng, nhưng những trường hợp đặc biệt nghèo khó, chúng tôi nắm khá chắc", ông chủ tịch xã nói thêm.

Còn ông bí thư thì tâm sự: "Vào dịp Tết đến, xuân về, do đây là xã miền núi cho nên cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Rồi các tổ chức xã hội từ thiện cũng để mắt tới. Cấp trên cũng luôn chỉ đạo chúng tôi phải quan tâm hơn tới các hộ nghèo, đừng để sót một trường hợp nào không được trợ giúp. Nếu để xảy ra, cán bộ sẽ bị kỷ luật. Vấn đề làm khó cho địa phương chính là “chiếc bánh” đó sẽ chia sao cho đều, cho khéo, cho hài hòa trong khi những khoản ủng hộ bất chợt này nọ thì ai mà biết là có hay không, mà Tết thì đã cận kề. Chính vì vậy cũng phải tìm cách điều tiết sao đừng để người dân nảy sinh tâm tư so bì gây bức xúc, mất cả vui khi Tết đến".

Phải nói, đó chính là cái hay của việc đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh gắn vào công tác quản lý cơ sở, luôn biết gắn bó với dân và thực hiện đúng phương châm sâu sắc của Người: “Không sợ thiếu! Chỉ sợ phân phối không công bằng!”.

Điều đó càng cho thấy, nếu mọi chế độ, chính sách của Nhà nước, nếu các món quà tình nghĩa của cộng đồng chung tay đóng góp (không chỉ là dịp Tết, lễ) dù có nhiều đến mấy đi nữa nhưng phân phối không công bằng vẫn nảy sinh thắc mắc, khiếu kiện. Còn dù có ít hơn một chút, nhưng cách chia công tâm, xác đáng thì ngay cả người không được hưởng, họ vẫn vui lòng và sẽ tin vào Đảng, chính quyền địa phương hơn.

Cán bộ, công chức xã (phường) luôn là bộ phận quan trọng, gần dân nhất. Nó quyết định hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở bởi những công bộc của dân, ngoài việc trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đồng thời cũng là người trực tiếp giải quyết mọi công việc liên quan tới người dân như dân sinh, dân quyền, dân trí… Bởi vậy, một khi những công bộc đó mà xa dân thì xem như đó là một trở lực lớn ngăn cản sự phát triển của đất nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, không thiếu những công bộc xa dân, vô cảm tới lạ lùng. Chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng trong đào tạo công chức, viên chức thật mạnh mẽ để xây dựng một xã hội lành mạnh, công bằng, dân chủ và phải được bắt đầu từ những công bộc biết hết lòng vì dân.

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.