Hậu “giải cứu”

12/03/2011 00:35 GMT+7

Sau hơn một tuần với những nỗ lực chưa từng có, cuộc giải cứu lao động bằng cầu hàng không lớn nhất từ trước đến nay, đưa toàn bộ gần một vạn công nhân từ Libya về nước an toàn, đã kết thúc tốt đẹp mà không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Cả người được giải cứu lẫn người mong tin từ bên nhà đều vui mừng, song ngay sau cuộc “đoàn viên” bất đắc dĩ này là những lo toan cơm áo bắt đầu xuất hiện.

Chúng ta đều biết, những người tham gia xuất khẩu lao động đều thuộc diện nghèo, thậm chí rất nghèo. Số người này hầu như bị “thất nghiệp” ngay trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Đã vậy, để được xuất khẩu sang Libya, nhiều người đã phải vay mượn 40-50 triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ đối với đa số các gia đình ở nông thôn hiện nay.

Trong số một vạn lao động sang Libya vừa rồi, phần lớn là những người chỉ mới làm việc được 2-3 tháng, thậm chí có người vừa mới qua một tuần, vì vậy, chưa có một khoản tiền dành dụm nào từ công việc của họ cả. Giờ ở trong thế buộc phải “hồi gia” nên nhiều người trắng tay. Cái nghèo trước đây của họ đã không được cải thiện, nay lại thêm gánh nặng nợ nần.

Những ngày qua, đã có nhiều cánh tay của các doanh nghiệp trong nước chìa ra. Có doanh nghiệp đã ngỏ ý muốn nhận toàn bộ số lao động vừa trở về từ Libya vào làm việc. Không ai dám phủ nhận hay nghi ngờ hảo ý này, song thực tế cho thấy, để “gánh” cho hết một vạn người từ Libya vừa trở về ấy, quả là điều không mấy dễ dàng. Thứ nhất, các nhà tuyển dụng không phải nhận người một cách đại trà mà phải có tay nghề thì mới được tuyển dụng. Sẽ nảy sinh vấn đề “cái tôi cần thì anh không có, điều anh có thì tôi không cần”. Mà đa số lao động sang các nước Trung Đông vừa rồi là “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) nên cơ hội để lọt vào tầm ngắm của các nhà tuyển trạch trong nước là rất khó khăn.

Thứ hai, mức lương mà các nhà tuyển dụng đưa ra đối với số công nhân “có nghề” như thợ xây, thợ hàn cũng chỉ 3-4 triệu/tháng. Với mức lương như thế, sẽ rất khó cho những toan tính của số người này trong việc “thoát nghèo” chứ chưa nói đến việc trả số nợ đã “lỡ vay” trước khi xuất khẩu lao động. Họ vừa phải nuôi thân, lại vừa gánh trên lưng mình cả một gánh nặng gia đình nữa. Vì vậy, việc các doanh nghiệp đang dang tay cứu giúp số lao động từ Libya trở về trong lúc này chỉ nên hiểu đây là giải pháp “phủi nóng” chứ không thể xem đó là giải pháp lâu dài được.

Lối thoát có vẻ thực tế nhất cho số lao động vừa trở về từ Libya, đó là các cơ quan quản lý và xuất khẩu lao động nên ưu tiên đặc biệt cho số người này trong việc “tái xuất khẩu” nếu chúng ta tìm được đối tác mới, dĩ nhiên là phải ở những nơi không tiềm ẩn những nguy cơ xung đột và bất ổn như Libya. Có như vậy thì “nợ cũ” mới có cơ may trả được và cũng là cơ hội để số người này “hiện thực hóa” giấc mơ thoát nghèo của mình.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.