Giảm thuế, đừng sợ giảm thu

28/05/2013 03:00 GMT+7

Hôm nay, QH có phiên thảo luận toàn thể về sửa đổi, bổ sung luật Thuế giá trị gia tăng. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh tắc nghẽn tín dụng, hàng chất đống trong kho, doanh nghiệp đua nhau thua lỗ, phá sản... trong khi, các gói hỗ trợ thuế hiện tại còn nhỏ bé, sức lan tỏa hạn hẹp.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay là phải thay đổi quan điểm làm chính sách, chấp nhận giảm thuế ngay lập tức để nuôi dưỡng nguồn thu, tháo gỡ khó khăn một cách nhanh nhất. Không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), mà kể cả thuế GTGT - một sắc thuế gián thu đánh vào đại bộ phận người tiêu dùng và DN. QH cần cân nhắc việc giảm thuế suất hoặc mở rộng diện được miễn giảm.

Nhìn lại lịch sử, chỉ có một lần duy nhất vào năm 2009, trong gói kích cầu 8 tỉ USD, Chính phủ giảm 50% thuế GTGT cho gần 30 nhóm, ngành hàng. Gói này dù nhỏ, nhưng cũng đã động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho DN và người tiêu dùng, góp phần giúp người dân, đất nước vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Lần này, luật thuế được sửa đổi rơi đúng vào thời điểm gói cứu trợ được ban hành, nhưng chính sách hỗ trợ rất ít, liều lượng lại không đáng kể, chỉ miễn vài tháng cho các DN vừa và nhỏ; giảm 50% cho các hợp đồng bán, thuê mua nhà xã hội, hoặc căn hộ diện tích sàn dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2, lại cân nhắc chỉ cho 1 năm. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị dù ít, cũng phải kéo dài 2 năm, không nên áp dụng có 1 năm 1.7.2013 đến 31.6.2014, bởi ban hành rồi có khi chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thì không mấy ai được giảm.

Giảm thuế suất đồng nghĩa với giảm thu ngân sách, đó là cái lý của nhà điều hành, nhưng trên thực tế, luật Thuế TNDN trong suốt những năm qua, dù liên tục giảm từ mức 35% xuống 28% rồi 25%, nhưng nguồn thu vẫn tăng lên đều đặn hằng năm. Điều này cũng sẽ đúng với bất cứ sắc thuế nào khác, khi thuế giảm luôn mang lại tinh thần phấn chấn, sự động viên và nuôi dưỡng mạnh mẽ, bền vững nguồn thu. Hơn nữa, thuế suất phổ thông của Việt Nam đang áp ở mức 10% cao hơn so với các nước như Nhật Bản chỉ có 5%, Thái Lan 7%... Bên cạnh đó, theo thống kê, hiện tỷ trọng thu từ thuế GTGT và thuế xuất nhập khẩu trên tổng số thu từ thuế, phí đã tăng từ mức 10% trong 2006 lên tới gần 20% trong 2010. Riêng thuế GTGT cũng chiếm hơn 20% trong tổng thu thuế, phí cũng là tỷ trọng cao nhất nhì trong khu vực.

Giảm thuế GTGT các mặt hàng sẽ giúp DN giảm được giá bán sản phẩm, người dân tăng chi tiêu, mua sắm, giải phóng được hàng tồn kho, tháo gỡ được khó khăn cho nền kinh tế. Do đó, việc đưa mức thuế suất từ 10% xuống 5% cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng việc mở rộng đối tượng ưu đãi thì cần phải làm ngay. Nên chăng, như đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) kiến nghị, trước mắt với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa được xã hội hóa cần phải được giảm thuế suất về 5%. Đặc biệt, hiện nay là các cơ quan báo chí, xuất bản... đang gánh chịu thua lỗ lớn, nhưng vẫn phải thực thi nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng. Hay các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao, DN hoạt động vùng sâu, vùng xa nhưng vùng khó khăn cũng cần phải được hỗ trợ tương tự.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.