Giám sát tỉnh táo

11/10/2015 05:56 GMT+7

Có lẽ, không chỉ cử tri mà chính các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng đã nhận ra sự không bình thường trước tình trạng im lặng của các đại biểu dân cử về những vấn đề lùm xùm tại địa phương nơi mình ứng cử.

Có lẽ, không chỉ cử tri mà chính các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng đã nhận ra sự không bình thường trước tình trạng im lặng của các đại biểu dân cử về những vấn đề lùm xùm tại địa phương nơi mình ứng cử.

Tại tọa đàm về dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hôm 9.10, nhiều ĐBQH đã đề nghị mở rộng quyền chất vấn của ĐBQH với bất kỳ lãnh đạo chính quyền địa phương nào “để tạo đột phá trong hoạt động giám sát”.
Đề nghị này không sai, bởi nó xuất phát từ thực tế, có nhiều chuyện cử tri bức xúc, báo chí đăng um sùm nhưng chính quyền và cả các đại biểu dân cử ở địa phương này đều im lặng. Mới nhất là chuyện dự án lấp sông ở Đồng Nai, gây bức xúc dư luận cả nước, các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ vào cuộc khẩn trương, nhưng từ ngày đầu đến ngày cuối, các ĐBQH địa phương đều im lặng; thậm chí có những đại biểu trung ương ứng cử tại địa phương này, vốn nổi tiếng là thẳng thật, cũng chọn cách từ chối phát biểu, vì “mình ứng cử ở địa phương nói ra không tiện”.
Song sự thực mà nói, đề nghị này là thừa, bởi lẽ, theo luật Bầu cử ĐBQH, luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, thì ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Và như vậy, ĐBQH có quyền giám sát và chất vấn không giới hạn với mọi vấn đề ở cấp trung ương và địa phương, để bảo đảm việc thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, cũng chính từ đề nghị này cho thấy 2 vấn đề trong hoạt động giám sát của Quốc hội ta hiện nay. Thứ nhất, ĐBQH có 2 nhiệm vụ: làm cử tri hài lòng (thực hiện chức năng đại diện) và hoạt động có hiệu quả ở Quốc hội (thực hiện chức năng của nhà lập pháp). Nhưng trên thực tế, rất nhiều ĐBQH đã nể nang, né tránh các vấn đề bức xúc của dân, không nói tiếng nói của người dân. Thứ hai, do đặc thù giám sát của Quốc hội ta hướng trọng tâm vào việc thi hành pháp luật (khác với Quốc hội các nước chỉ kiểm soát ngành hành pháp), khiến phạm vi giám sát của Quốc hội quá rộng lớn (không chỉ Chính phủ mà còn cả Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát và chính quyền các cấp). Việc giám sát đối với chính quyền 63 tỉnh, thành phố là quá tải đối với Quốc hội và ĐBQH, khi muốn hoạt động giám sát thực chất. Đấy là chưa nói đến chuyện xảy ra chồng chéo, vì HĐND cũng được tổ chức song song ở các cấp.
Sốt ruột với thực tại nhiều bất cập, bức xúc với các vấn đề dân sinh chậm được giải quyết là tốt, nhưng các đại biểu dân cử phải luôn tỉnh táo để chọn cách tốt nhất trong việc phân chia quyền lực giữa chính quyền T.Ư và chính quyền các tỉnh, thành phố. Đã là đại biểu dân cử thì dù ở cấp nào cũng phải luôn nói tiếng nói cử tri, hoạt động vì quyền lợi cử tri.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.