Đừng đổ thừa

18/11/2011 01:36 GMT+7

Thay cho niềm tự hào đường cao tốc đúng nghĩa đầu tiên của cả nước, đường TP.HCM - Trung Lương giờ đây đang trở thành nỗi ám ảnh mất an toàn cho hàng chục ngàn lượt xe lưu thông mỗi ngày. Kể từ khi thông xe tạm vào tháng 2.2010 đến nay, đã có ngót nghét 7.000 vụ tai nạn, va quệt, và đường cao tốc đầu tiên của VN đang trở thành đường xảy ra nhiều tai nạn nhất VN.

Thay cho niềm tự hào đường cao tốc đúng nghĩa đầu tiên của cả nước, đường TP.HCM - Trung Lương giờ đây đang trở thành nỗi ám ảnh mất an toàn cho hàng chục ngàn lượt xe lưu thông mỗi ngày. Kể từ khi thông xe tạm vào tháng 2.2010 đến nay, đã có ngót nghét 7.000 vụ tai nạn, va quệt, và đường cao tốc đầu tiên của VN đang trở thành đường xảy ra nhiều tai nạn nhất VN.

Thế nhưng, các cơ quan quản lý lại có xu hướng đổ thừa tai nạn nhiều là do ý thức của người tham gia giao thông. Trong khi đó, một nguyên nhân “rõ như ban ngày” dường như lại cố tình bị bỏ qua, đó là tình trạng lún và ổ gà gây mất an toàn nghiêm trọng cho xe lưu thông tốc độ cao. Đáng nói, ổ gà xuất hiện chỉ vài tháng ngắn ngủi sau khi thông xe, và sau khi nhà thầu sửa chữa lại cho đẹp đẽ để nghiệm thu vào tháng 2.2011, thì đến nay tình trạng hư hỏng ngày một nghiêm trọng.

Theo khảo sát mới đây của Ban ATGT tỉnh Long An, chỉ 10 km đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đã có đến 500 ổ gà. Từ đó, hàng loạt vụ tai nạn xảy ra do tài xế đang chạy tốc độ cao, khi thấy ổ gà thì đột ngột bẻ tay lái, lao xuống ruộng hoặc đâm vào dải phân cách, hàng rào.

Trong khi đó, thay vì đốc thúc nhà thầu sửa chữa ngay các hư hỏng để đảm bảo ATGT, thì chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng Cửu Long (trước đây là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) lại đổ thừa do thiếu vốn. Từ đó, đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT cho phép thu phí tạm đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ đầu năm tới để lấy tiền sửa chữa các hư hỏng này. Tuy nhiên, đòi hỏi như thế rõ ràng không sòng phẳng. Thứ nhất, đường cao tốc vẫn trong thời hạn bảo hành (2 năm kể từ ngày nghiệm thu), cho nên trách nhiệm sửa chữa thuộc về nhà thầu. Thứ hai, việc thu phí giao thông cũng giống như bán một sản phẩm trên thị trường, sản phẩm phải hoàn thiện thì mới đòi hỏi khách hàng bỏ tiền mua. Không thể bán sản phẩm kém chất lượng, cũng giống như không thể bắt người dân mua phí để đi con đường hư hỏng.

Đầu tư một dự án mang danh là đường cao tốc, song lại không đảm bảo an toàn cho xe lưu thông với tốc độ cao, trách nhiệm của chủ đầu tư đối với chất lượng công trình là rất lớn. Mà như cách đặt vấn đề của Ban ATGT tỉnh Long An, ở đây còn là trách nhiệm hình sự, bởi dư luận, báo chí và địa phương đã nhiều lần lên tiếng về thực trạng mất an toàn này, song chủ đầu tư vẫn không khắc phục, gây những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thời gian qua, chúng ta đã phải chấp nhận chuyện nhiều công trình có vấn đề về chất lượng, nhưng thay vì quyết liệt phân định trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính của các bên liên quan trong việc sửa chữa các hư hỏng, thì cuối cùng bao giờ cũng chọn giải pháp “huề cả làng” là lấy tiền ngân sách hoặc thu phí người dân. Nếu cứ tiếp xuê xoa kiểu này, rồi chúng ta sẽ còn phải nhận lãnh nhiều sản phẩm hạ tầng kém chất lượng và mất an toàn tương tự, mà đối tượng chịu thiệt hại nhất chính là người dân, khi vừa mất tiền vừa có nguy cơ mất mạng.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.