Đừng để nông dân khát

26/05/2013 03:10 GMT+7

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ tính đến nay đã gần chục năm. Phải nói một cách khách quan, sau chừng ấy năm nhiều vùng nông thôn đã có nước sạch, cùng với việc có điện, cuộc sống sinh hoạt của nông dân đã thay đổi căn bản. Đó là những giá trị thỏa mãn mơ ước ngàn đời của nông dân.

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ tính đến nay đã gần chục năm. Phải nói một cách khách quan, sau chừng ấy năm nhiều vùng nông thôn đã có nước sạch, cùng với việc có điện, cuộc sống sinh hoạt của nông dân đã thay đổi căn bản. Đó là những giá trị thỏa mãn mơ ước ngàn đời của nông dân.

Mỗi lần vào mùa khô, mùa hè, sự thiếu nước tất nhiên căng thẳng hơn so với những thời điểm khác trong năm. Tại khu vực thành thị, dẫu thiếu nước nhưng người dân vẫn có nước sạch nhờ sự cố gắng tối đa từ nhà cung cấp. Giá nước tăng cao, tuy nhiên vẫn có để dùng. Nông thôn thì khác. Những cơn khát dai dẳng kéo dài năm này qua năm khác, bất kể mùa khô mùa mưa. Và thật éo le, nhiều nơi bà con mình khát ngay trên đồng nước.

Nói có sách mách có chứng. Cách đây chưa lâu, báo chí phản ánh hiện thực không tin nổi: thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, nông dân nhiều xã ở Cà Mau phải chấp nhận nhịn đủ mọi thứ để dồn tiền vào mua nước ngọt. Bà con có nơi vào lúc cao điểm khát phải trả đến 100.000 đồng cho lu nước 100 lít. Nhiều vật nuôi chết vì thiếu nước uống; cây trồng cháy lá, chết khô do không nước tưới. Giữa mênh mông đồng nước mà người và vật vẫn khát cháy bởi nước nhiễm phèn nhiễm mặn nặng, chưa kể nguồn nước ngọt ao hồ kênh rạch còn lại bị ô nhiễm đến mức tưới cây cây cũng chết, nói chi để bà con sinh hoạt hằng ngày.

Do sự biến đổi khí hậu và xâm hại của con người, nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền (tới tận Tân Châu đầu nguồn sông Cửu Long) khiến nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất thêm hiếm hoi. Sống ngay bên dòng sông mà vẫn thiếu nước như chuyện không tin nổi nhưng đó là sự thực. Thiếu điện, bà con vẫn có thể trụ được tháng này qua tháng khác nhưng thiếu nước, sự cầm cự chỉ tính bằng ngày.

Không chỉ vùng đất mũi Cà Mau hoặc Tây nguyên xưa nay khô hạn đã thành nếp chịu đựng, ngay cả nhiều vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ hay ven biển miền Trung, vùng hạ lưu đập thủy điện... bà con ta cũng điêu đứng vì nước. Khi cả những huyện ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ... chưa hè đã khát, phải dùng nước ao hồ nhiễm bẩn cho sinh hoạt tắm rửa giặt giũ, phải chạy mua từng thùng nước ăn thì đủ hình dung ở vùng sâu vùng xa nông dân đang gồng mình chịu đựng thế nào.

Đầu tư cho nông nghiệp nông thôn nông dân (tam nông) là chiến lược quan trọng, lâu dài và căn bản của Đảng, Nhà nước ta. Ở một nước lực lượng lao động chủ lực đại đa số là nông dân, kinh tế nông nghiệp chiếm vị trí cực kỳ quan trọng, lẽ nào cứ để kéo dài tình trạng nông dân khát nước ngay trên chính quê hương mình. Đã bao năm, người nông dân vất vả xoay xở trên vùng lúa, chịu sự ô nhiễm ngày càng tăng, thiếu việc làm, đầu ra đầu vào nông phẩm hết sức khó khăn vô lý, đến nước cũng thiếu, chả trách dòng người ly hương kéo ra thành thị làm thuê làm mướn với tương lai mờ mịt ngày càng nhiều càng đông. Không thể đổ hệ lụy thiếu nước do khô hạn, do biến đổi khí hậu. Cả hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc. Phải biến những chính sách ngủ yên trên giấy, trong đó có chương trình nước sạch cho nông thôn thành giải pháp căn cơ thiết thực, có kết quả cụ thể, góp phần nhanh chóng nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân. Nông dân khát là điều không thể chấp nhận được khi chúng ta vẫn nói nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng. 

Nguyễn Thông

>> Nhiều thủy điện "khát nước
>> Dân Bảy Núi “khát” nước
>> Dân khát nước sạch
>> Chung cư khát nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.