Du lịch - người xây kẻ phá

03/05/2013 03:00 GMT+7

Du lịch, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam thời gian gần đây bị nhiều vết ám khói, khiến buồn lòng du khách, nhất là khách nước ngoài. Việc Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải đích thân gặp và xin lỗi du khách bị “chặt chém” làm bất cứ ai quan tâm đến sự phát triển du lịch không khỏi ngậm ngùi.

Thực ra không phải đến giờ những vụ “tham bát bỏ mâm” chặt chém kiểu đòi tiền công chả khác ăn cướp 1,5 triệu đồng cho cuốc xích lô vài cây số với mẹ con du khách người Úc, hoặc đe dọa hành hung 3 du khách Pháp dám chê dịch vụ dở ở Hà Nội bữa trước mới cộm lên, được dư luận quan tâm. Suốt nhiều năm qua, trong khi nhà nước đề ra biết bao chủ trương, biện pháp để biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện thì lại không ít người làm kinh doanh, dịch vụ du lịch dù được thụ hưởng lợi ích từ du lịch đã ngang nhiên phá hoại, thay vì vun bồi hình ảnh du lịch Việt Nam.

Cứ cận ngày lễ tết, cứ sát những kỳ nghỉ dài hoặc mùa cao điểm, từ các thành phố lớn tới những điểm đến danh lam thắng cảnh... đều diễn ra những chiêu những màn hành hạ du khách lên bờ xuống ruộng. Lấy cớ cung cao hơn cầu, họ tự tiện đẩy giá phòng giá dịch vụ lên vô tội vạ; không ít vụ lừa đảo, treo đầu dê bán thịt chó đưa khách vào tròng. Một suất ăn chỉ đáng giá trăm ngàn, khách có thể phải cắn răng móc trả cả triệu đồng. Hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ nếu người bản địa mua giá chỉ một thì nhìn mặt khách họ sẽ hét giá mười. Khách đi tham quan đây đó, đội quân hàng rong đeo bám, năn nỉ ỉ ôi dọa nạt đủ kiểu. Khách nội địa bị mắc lỡm, khách nước ngoài càng mệt mỏi.

Tất nhiên trước những hành vi phản du lịch phản văn hóa ấy, chính quyền địa phương cần càng phải chu đáo kiểm tra, có các biện pháp xử lý kiên quyết. Nhưng nói gì thì nói, du lịch là lĩnh vực hoạt động toàn dân, phải có sự đóng góp ý thức của từng con người, kể cả những người bình thường nhất, chứ không thể chỉ dựa vào cơ quan công quyền. Phát triển du lịch mà cứ người xây kẻ phá, biết đến bao giờ mới biến những khẩu hiệu (slogan) “Điểm đến của thiên niên kỷ”, “Hãy đến với Việt Nam”, “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Vẻ đẹp bất tận” thành hiện thực.

Nói cho công bằng, không phải lúc nào chỗ nào bức tranh du lịch cũng xám xịt như vậy. Ở TP.HCM chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh dễ thương những “chiến sĩ áo xanh” hướng dẫn tận tình, ân cần đưa du khách qua đường. Nhiều bạn trẻ sẵn lòng dành thời gian chỉ dẫn đường đi lối lại, nơi thăm thú cho du khách phương xa. Vẫn không thiếu người bán hàng niềm nở với khách bằng sự chân thực của mình, bán đúng giá, thuận mua vừa bán… Chỉ tiếc, những điều cao đẹp mà bình thường ấy ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác có thể bị những hành vi tham lam, phản văn hóa phá sạch trong chốc lát. Biên ra đây chẳng phải để hạ thấp du lịch xứ mình nhưng cách ứng xử với du lịch của người dân ta nhìn chung vẫn còn nhiều khiếm khuyết lắm.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.