Điệp khúc năm cũ

04/02/2013 03:05 GMT+7

Sáng đi làm, chạy xe ngang quảng trường, thấy sân khấu rực đỏ: Lễ ra quân đảm bảo an toàn giao thông dịp tết, lại hát hò, lại phát biểu, lại “tăng cường”, “quyết tâm”, “nỗ lực”.

Đến cơ quan mở báo thấy công điện của UBND TP yêu cầu không để thiếu hàng, sốt giá; tăng cường lực lượng tuần tra canh gác trong dịp tết; Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển hàng cấm, các hành vi vi phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự tại các đầu mối giao thông, không để xảy ra các vụ trọng án, xử lý nghiêm các hành vi chèn ép khách, đầu cơ vé tàu, xe, thực hiện sai quy định về giá dịch vụ... là các hoạt động tích cực. Nhưng rồi trộm nghĩ, nếu không tết thì chính quyền không “đảm bảo” mấy việc đó hay sao?

Thực tế là, đến hẹn lại lên, năm nào, vào dịp này báo chí cũng lại đưa những thông tin đại loại như vậy. Điều này có nghĩa rằng, rất nhiều vấn đề lặp đi, lặp lại năm này qua năm khác đã không được giải quyết. Cận tết nào cũng thế, vẫn lại là chuyện khốn khổ đợi mua vé tàu, xe, là chuyện tắc đường, chuyện trộm cắp, chuyện kẹt ATM, nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm không thuyên giảm.

Đương nhiên, những bất cập không thể được giải quyết chỉ bằng những văn bản chỉ đạo hoặc các chiến dịch nặng tính hình thức.

Người dân đã nhận thấy sự không bình thường khi không một lồng gà chưa qua kiểm dịch nào được bày bán tại chợ Dịch Vọng Hậu (Hà Nội), lúc đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tết đến. Hàng chục ki ốt chuyên doanh bánh mứt kẹo, đồ khô tại chợ Đồng Xuân cũng đột nhiên đóng cửa trong ngày 2 bộ trưởng Y tế và NN-PTNT đích thân đi thị sát. Nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên nhức nhối, có lẽ không cần phải đợi “đến tết” mới thành lập hàng trăm đoàn đi kiểm tra kiểu trống rong cờ mở như thế. Điểm tập kết của thực phẩm bẩn chủ yếu là chợ cóc, chợ tạm, bếp ăn tập thể… Nhưng, trong hầu hết các đợt ra quân rầm rộ, những “cơ sở nhỏ” này lại chẳng bao giờ nằm trong danh sách. Đến trẻ con cũng biết, chất lượng thực phẩm được quyết định bởi nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất, nhưng các đợt thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm lại chỉ nhăm nhăm vào cái bánh thành phẩm, lúc đó cái nào chẳng đẹp, chẳng ngon.

Năm nào cũng thế, mua vé tàu qua mạng thì mạng nghẽn, đến trực tiếp ga thì chen lấn, xô đẩy cả ngày, nhưng kỳ lạ là phe vé lúc nào cũng có, giá cao. Thế vấn đề là cái gì? Chỉ có thể lý giải là bản thân ngành đường sắt không muốn thay đổi. Chỉ cần trả lời thỏa đáng các câu hỏi: Tại sao phải để đến gần tết mới tổ chức bán vé tàu đi lại dịp tết? Tại sao chỉ mở cửa bán vé theo giờ? Tại sao vé xe lửa lại không tổ chức bán theo kiểu đại lý như vé máy bay?... sẽ thấy khắc phục tình trạng xếp hàng cả đêm mua vé tàu không quá khó.

Chỉ mong, với một nửa quyết tâm “làm thật” của cơ quan quản lý thôi, ngày này năm sau báo chí không còn phải đưa lại những vấn đề quá cũ, làm buồn lòng bạn đọc.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.