Để 'người canh đền' không tự 'đốt đền'

08/12/2014 04:37 GMT+7

Theo dõi hoạt động các bộ, ngành, người ta không thể không thất vọng khi ở nhiều cơ quan quan trọng của nhà nước lại có tình trạng có những cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức lại vi phạm những nguyên tắc, chính sách do ngành mình đặt ra.

Ví dụ như ở ngành công thương, trong báo cáo trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 vừa rồi, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên tình trạng nạn buôn lậu, kinh doanh hàng giả gia tăng có phần do sự cấu kết của một bộ phận cán bộ quản lý thị trường bảo kê, tiếp tay cho kẻ gian. Hay với ngành thanh tra, trong buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình cuối tuần trước, người dân đã nói với Tổng bí thư về trường hợp ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ - một cơ quan có trách nhiệm quan trọng hàng đầu về chống tham nhũng, sau nghỉ hưu lại có nhiều tài sản, nhà ở bất minh thì đó không khác gì việc “là người canh đền nhưng lại đốt đền”.

Một báo cáo mới nhất của Kiểm toán Nhà nước qua đợt kiểm toán tại Bộ Tài chính và các cơ quan, viện nghiên cứu... trực thuộc bộ này cho thấy, vẫn còn có một số cơ quan, đơn vị trong ngành này vi phạm các quy định, chính sách tài chính thậm chí do chính Bộ Tài chính đề ra hoặc những chính sách do bộ này tham mưu, đề xuất. Ví dụ như có tới 4 cơ quan, đơn vị: Học viện Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... vi phạm các quy định về phí và lệ phí nhưng có những khoản thu sai vẫn được Bộ Tài chính cho phép thu.

Cũng không khó để kể ra nhiều ví dụ khác ở các ngành khác vi phạm các quy định của ngành, vi phạm các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, trong khi càng ở những cơ quan đầu não quan trọng, việc cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong ngành phải chấp hành nghiêm những quy định, chính sách của ngành mình là một phần tất yếu, bảo đảm pháp luật được tôn trọng.

Nhưng để các cơ quan, đơn vị cán bộ, công chức các ngành thực hiện đúng nguyên tắc, chính sách của chính ngành đó, ngoài yêu cầu về sự gương mẫu, cần có một cơ chế để giám sát việc thực hiện. Ví dụ như với ngành tài chính, các cơ quan như Thanh tra Chính phủ hay Kiểm toán Nhà nước... thường xuyên kiểm tra, kiểm toán nên những sai phạm, vi phạm của các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính thực tế qua đợt kiểm toán vừa rồi cũng có giảm đi. Nhưng có những ngành như thanh tra hay quản lý thị trường, cả về sự gương mẫu trong ngành hay cơ chế giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật chung và chính sách, quy định trong các ngành này vẫn đang khuyết thiếu. Cơ quan nào thanh tra Thanh tra Chính phủ, cơ quan nào kiểm tra hoạt động của cán bộ quản lý thị trường... hiện nay vẫn là một dấu hỏi khó trả lời rõ ràng. Cho nên, vừa qua, tại ngành thanh tra, có cán bộ lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ được báo chí phản ánh có những khối tài sản lớn có dấu hiệu không minh bạch nhưng thực hiện việc kiểm tra lại do nội bộ cơ quan này thực hiện thì liệu có đảm bảo sự khách quan?

Một khi đạo đức công vụ, sự gương mẫu của lãnh đạo ngành, của cán bộ công chức không được đề cao, lại thiếu vắng cơ chế, bộ máy giám sát thì tình trạng có những người “canh đền” nhưng lại “đốt đền” sẽ vẫn còn xảy ra.

Mạnh Quân

>> Khởi tố 3 nguyên cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu
>> Xét xử vụ buôn lậu gỗ có cán bộ hải quan tiếp tay
>> Nhiều cán bộ tiếp tay trùm đất lừa đảo
>> Khởi tố 4 cán bộ xã tiếp tay nhập lậu 12 ô tô
>> Bắt cán bộ hải quan tiếp tay doanh nghiệp trốn thuế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.