Để không bị phản ứng ngược

22/08/2015 04:49 GMT+7

Những bất cập xoay quanh việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mấy ngày nay rồi cũng sẽ qua đi. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để việc xét tuyển trong đợt 2 bắt đầu từ ngày 25.8 không vấp phải những phức tạp hay phản ứng ngược như đợt 1 vừa qua.

Những bất cập xoay quanh việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mấy ngày nay rồi cũng sẽ qua đi. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để việc xét tuyển trong đợt 2 bắt đầu từ ngày 25.8 không vấp phải những phức tạp hay phản ứng ngược như đợt 1 vừa qua.
Rồi xa hơn nữa là những cải tiến cho kỳ thi THPT quốc gia những năm sau từ khâu thi đến xét tuyển. Làm thế nào để xã hội cảm thấy tuyển sinh chỉ là một khâu bình thường trong giáo dục chứ không phải bất thường như những gì đã diễn ra.
Công văn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký và phát đi vào chiều tối hôm qua đã phần nào cho thấy Bộ đang lắng nghe dư luận để điều chỉnh. Lần này thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi như đợt 1 vừa qua mà chỉ cần dùng số mã vạch trên mỗi giấy chứng nhận này. Trong các đợt xét tuyển sắp tới, với quy định sau khi đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không rút hồ sơ để chuyển sang trường khác, tình hình chắc chắn không căng thẳng như đã diễn ra trong đợt 1.
Nhưng đây cũng chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt. Cần phải tìm ra những giải pháp bền vững hơn cho câu chuyện tuyển sinh, là mối bận tâm hàng bao lâu nay của ngành giáo dục.
Có ý kiến cho rằng nếu vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường như hiện nay thì Bộ nên công khai dữ liệu kết quả thi của thí sinh cho các trường. Trên cơ sở đó, các trường có thể nhận - trả hồ sơ như lâu nay vẫn làm.
Đề xuất khác cũng trên cái nền giao dữ liệu tuyển sinh của thí sinh về các trường. Khi có dữ liệu này, các trường ĐH tùy theo chỉ tiêu, điều kiện thực tế, nhu cầu và mục đích của mình... sẽ tính toán định ra một mức điểm chuẩn phù hợp. Thí sinh thấy trường nào phù hợp với mức điểm của mình, có năng lực với ngành học/trường yêu thích thì nộp hồ sơ vào đó. Nếu xong một đợt, trường vẫn chưa đủ chỉ tiêu thì có thể tiếp tục các đợt khác trong giới hạn cho phép có thể với mức điểm thấp hơn lần đầu miễn không thấp hơn mức sàn theo quy định...
Những đề xuất này, tất nhiên, mới chỉ là những ý nghĩ ban đầu trong giai đoạn hiện nay. Bộ nên tổ chức lấy ý kiến dư luận hòng có được những hiến kế sát sườn, sắc sảo phù hợp với điều kiện thực tế VN và không tách rời với dòng chảy của thế giới.
Quay trở lại đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sắp diễn ra. Lần này, các thí sinh có nhiều thuận lợi hơn khi một lúc có 3 giấy chứng nhận kết quả, mỗi giấy 4 nguyện vọng và được nộp vào 3 trường khác nhau. Lúc bấy giờ thí sinh sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Chỉ có một vấn đề là số lượng trường tham gia xét tuyển đợt này sẽ không còn đủ mặt “anh hùng hội tụ” như đợt 1.
Nhưng có lẽ những gì diễn ra trong đợt xét tuyển vừa qua cũng là một kinh nghiệm, bài học cho thí sinh trong đợt xét tuyển tới. Ấy là không nhất thiết bằng mọi cách để vào được một trường ĐH cho dù đó là trường/ngành mình không yêu thích. Ngoài những ngành nghề đặc thù, việc học ĐH như là một quá trình để tích lũy kiến thức nền tảng, kỹ năng cần thiết cho cả một quãng đời học tập không ngừng sau này chứ không phải là điểm dừng cuối cùng. Nghĩ như vậy, tâm lý chọn trường, chọn ngành khi xét tuyển sẽ đỡ căng thẳng hơn nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.