Để hoàn thuế hiệu quả

04/08/2015 05:09 GMT+7

Hoàn thuế lâu nay vẫn là nỗi sợ của rất nhiều người dân, doanh nghiệp do thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian. Đến mức nhiều người thà chấp nhận mất luôn số thuế được hoàn chứ không muốn mất thời gian, công sức và nhất là có thể mang thêm nỗi bực vào người.

Hoàn thuế lâu nay vẫn là nỗi sợ của rất nhiều người dân, doanh nghiệp do thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian. Đến mức nhiều người thà chấp nhận mất luôn số thuế được hoàn chứ không muốn mất thời gian, công sức và nhất là có thể mang thêm nỗi bực vào người.

Thực ra, ngành thuế cũng biết điều này và đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện nhưng chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc “bêu” tên các doanh nghiệp (DN) nợ thuế cho thấy, nếu chúng ta áp dụng bêu tên các cơ quan chậm trễ hoàn thuế (cũng coi như nợ thuế), những cán bộ thuế cố tình nhũng nhiễu để “ăn vặt” như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc họp triển khai công tác thuế cuối năm 2014 đã nói thẳng, thì thủ tục thuế nói chung và việc hoàn thuế nói riêng chắc chắn được cải thiện đáng kể. Bởi việc đóng thuế và hoàn thuế đều là thực hiện quy định của pháp luật. DN nợ nhà nước bị bêu tên thì nhà nước “nợ” DN, nợ người dân cũng cần được công khai sòng phẳng như nhau. Nếu cứ định kỳ từng quý có 2 bảng “phong thần”, một dành cho DN nợ thuế và một dành cho những cơ quan chậm thuế, cán bộ thuế “hành” dân, DN thì thủ tục thuế và nghĩa vụ thuế sẽ được cải thiện nhanh chóng. Việc này xét về cả 2 phía, đều quan trọng như nhau. Nếu DN nợ thuế ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thì việc chậm trễ hoàn thuế cũng khiến DN cụt vốn, có thể lỡ mất cơ hội làm ăn; người dân thiệt thòi và bất bình. Tác động và ảnh hưởng đều như nhau. Vì vậy, đã bêu tên DN nợ thuế thì cũng nên bêu tên những cơ quan nợ thuế, chậm hoàn thuế; những cán bộ thuế cố tình gây khó cho việc hoàn thuế...
Chúng ta đều biết, thủ tục thuế lâu nay khó cải thiện bởi tâm lý DN đều “sợ” bị cơ quan thuế làm khó. Nên ấm ức thì có nhưng ít ai đứng ra tố cáo mà vẫn âm thầm chấp nhận, thậm chí thỏa hiệp. Việc này góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh. DN “đi đêm” với cán bộ thuế để gian lận thuế; cán bộ thuế thì nhũng nhiễu để “ăn vặt”, gây thất thu ngân sách. Kết quả khảo sát 500 hộ kinh doanh của Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES) công bố mới đây cho thấy, có tới 50% người được hỏi chấp nhận nếu được đề nghị “bắt tay” với cán bộ thuế vì mức phí bỏ ra là không “đắt”. Thuế môn bài có mức thu không lớn, chỉ từ 50.000 đồng - 1 triệu đồng/năm nhưng vẫn có tới 30% hộ kinh doanh “bắt tay” với cán bộ thuế kê khai doanh thu thấp đi để được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi 6% hối lộ cán bộ thuế để trả mức thuế thấp hơn. Còn đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, có tới 14% hộ cho biết sẵn sàng hối lộ cán bộ thuế để hưởng mức thuế thấp hơn. Đại đa số cho rằng đây là hiện tượng phổ biến...
Nhưng nếu cả cơ quan nợ thuế, cán bộ thuế hành dân cũng được công khai và công khai định kỳ thì tình trạng này chắc chắn sẽ giảm dần. Như vậy, một mũi tên mà trúng nhiều đích. Vừa tăng nguồn thu, vừa cải thiện thủ tục thuế, vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.