Đánh thức hang động

02/04/2012 03:54 GMT+7

Quảng Bình may mắn được tạo hóa ban tặng những kiệt tác hang động kỳ vĩ nằm trong lòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Thế nhưng, làm thế nào để biến những món quà này thành lợi ích kinh tế vẫn là bài toán nan giải đối với Quảng Bình.

Quảng Bình may mắn được tạo hóa ban tặng những kiệt tác hang động kỳ vĩ nằm trong lòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Thế nhưng, làm thế nào để biến những món quà này thành lợi ích kinh tế vẫn là bài toán nan giải đối với Quảng Bình.

Trong những ngày này, “vương quốc” hang động Phong Nha (PN) - Kẻ Bàng (KB) lại được nhắc đến nhiều hơn, được nhiều người biết đến hơn khi đoàn thám hiểm do ông Howard Limbert dẫn đầu, cùng Trường ĐH KHTN Hà Nội và người địa phương đang có đợt thám hiểm lần thứ 15 và ban đầu công bố nhiều thông tin thú vị. Chưa kết thúc đợt thám hiểm, nhưng đã có 20 hang động mới được khám phá, trong đó nhiều hang có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo, lạ lùng và độc đáo so với các kết cấu thạch nhũ phát hiện trước đây.

Cho đến nay, đã có hàng trăm hang động được phát hiện tại PN-KB, có thể kể một số hang động nổi tiếng như động PN là hang nước dài và đẹp nhất (năm 1994), hang Vòm có chiều dài 16 km và đặc biệt hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới (năm 2009)… Nhưng sau 22 năm được vén màn, có thể nói giá trị kinh tế mang lại từ hang động là chưa nhiều. Năm 1995, động PN được đưa vào khai thác với 2 hệ thống động nước và động khô, đến nay một số khu vực trong lòng động đã có dấu hiệu xuống cấp, mất đi vẻ đẹp tự nhiên do sự tác động của con người... song doanh thu khai thác lại khá khiêm tốn, năm 2011 chỉ là 13,5 tỉ đồng. Tháng 9.2010, động Thiên Đường do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư mở cửa đón khách, doanh thu năm đầu tiên đạt 17 tỉ đồng. Đó là những gì hiện có tại PN-KB.

Quảng Bình có bờ biển dài và đẹp, từ biển lên trung tâm PN-KB chỉ chừng 50 km. Thế nhưng, do không có các loại hình du lịch đồng bộ, nên khách đến PN-KB chưa nhiều và chủ yếu đến ngắm hang rồi về… ngủ. Vì thế, rất ít người trở lại lần thứ 2. Thậm chí, một thời gian dài, các đoàn khách đều lưu trú ở Huế, từ Huế ra PN tham quan rồi buổi chiều quay lại Huế. Hiện nay, tình trạng cũng không khá hơn mấy!

Những hang động mới phát hiện sau này như Sơn Đoòng và các hang động gần đó nằm ở vị trí xa và cách trở hơn so với động PN và Thiên Đường. Theo đánh giá của nhiều người có lợi thế phát triển loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm, mạo hiểm. Tuy vậy, mọi thứ vẫn đang “ngủ yên”. Giải pháp được nhắc đến là kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư. Mới đây, một đoàn các chuyên gia, doanh nghiệp đã có chuyến vào hang Sơn Đoòng để đánh giá khả năng đầu tư khai thác, mở rộng thêm mạng lưới du lịch trong quần thể PN-KB. Lãnh đạo một doanh nghiệp có kinh nghiệm làm du lịch dè dặt cho biết thực sự muốn liên doanh đầu tư, nhưng địa phương chưa có quyết sách gì.

Năm 2009, nhờ một người dẫn đường địa phương, PV Thanh Niên đã phát hiện và khám phá hệ thống 3 hang động có thạch nhũ tuyệt đẹp thuộc địa phận xã Tân Hóa, H.Minh Hóa. Sau đó, nhiều tờ báo cùng đưa tin, nhưng đối với địa phương, tất cả chỉ “để đó”. Thời gian qua, hệ thống hang động ở PN-KB tiếp tục thu hút sự chú ý và xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin, trong đó có các hãng tin nổi tiếng trên thế giới. Nhưng sự xuất hiện đó chỉ là “hữu xạ tự nhiên hương”, còn Quảng Bình hình như chưa chú ý đến việc quảng bá. Hệ thống hang động PN cần được đánh thức để nó được đặt đúng vị trí xứng đáng.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.