Chủ quyền thuộc về nhân dân

03/06/2013 03:00 GMT+7

Tuần này, QH sẽ dành trọn 2 ngày (thứ hai và thứ ba) để thảo luận toàn thể về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ quyền nhân dân là một nguyên tắc được thể hiện đậm nét nhất trong bản dự thảo Hiến pháp trình ra QH kỳ này.

 Điều 1 dự thảo khẳng định nguyên tắc dân chủ của nhà nước; nội hàm cốt lõi của nguyên tắc này là chủ quyền thuộc về nhân dân.

Cụm từ "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” tại Điều 2 của dự thảo không mới so với Hiến pháp hiện hành. Song việc nó được cụ thể hóa tại Điều 6 dự thảo lại là một điểm rất mới: "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Lần đầu tiên, ngoài hình thức dân chủ đại diện (nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua QH, HĐND), dân chủ trực tiếp được hiến định. Mà dân chủ trực tiếp còn đặt lên trước dân chủ đại diện.

 Việc xác lập chủ quyền nhân dân là rất quan trọng không chỉ để xây dựng một nhà nước dân chủ, mà còn để khuyến khích nhà nước đó phục vụ nhân dân.

Trong phiên thảo luận tổ về dự thảo Hiến pháp hôm 27.5.2013, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, ông Nguyễn Đình Quyền có nói: Điều đầu tiên Hiến pháp lần này phải làm sâu sắc hơn Hiến pháp 1992 là làm rõ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện ở chính thể, tổ chức bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị, quyền sở hữu, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Theo ông Quyền, cần phải giải mã cho được nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân nhưng có sự phân công kiểm soát lẫn nhau.

Trên thực tế, quy định về dân chủ trực tiếp được nhắc đến nhưng chưa chỉ rõ cụ thể là hình thức dân chủ trực tiếp nào (vì có rất nhiều dạng hình thức dân chủ trực tiếp). Dự thảo Hiến pháp cũng còn thiếu các điều cụ thể để vận hành một bộ máy mà ở đó quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

 Một nhà nước không do nhân dân, thì không thể vì nhân dân. Một quan chức không do nhân dân, thì ít có động lực để phục vụ nhân dân. Việc mở rộng hơn nữa phạm vi của chủ quyền nhân dân và dân chủ trực tiếp chính là nhằm tạo ra động lực mới cho nền quản trị quốc gia. Hiện nay, nhân dân mới chỉ bầu chọn các vị đại biểu QH, đại biểu HĐND. Nếu mở rộng để nhân dân bầu chọn cả người đứng đầu các cơ quan hành chính thì sẽ thúc đẩy cải cách hành chính nhanh hơn, chống tham nhũng hiệu quả hơn. Vì rằng, các vị đứng đầu hành chính cũng sẽ phải hết sức giữ gìn và tận tụy với nhân dân để được bầu và bầu lại.

Hơn thế nữa, chỉ khi cả người đứng đầu hành chính và cả các vị dân biểu đều do nhân dân bầu ra, thì mới có thể thiết kế được cơ chế để các cơ quan nhà nước kiểm soát quyền lực của nhau như Nghị quyết của Đảng đề ra.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.