Chống tham nhũng từ gốc

27/10/2015 05:34 GMT+7

Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015. Báo cáo về chống tham nhũng của Chính phủ năm nay khá sáng sủa, các con số đều khả quan trong sự so sánh 5 năm gần đây.

Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015. Báo cáo về chống tham nhũng của Chính phủ năm nay khá sáng sủa, các con số đều khả quan trong sự so sánh 5 năm gần đây.

Theo đó, nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao quyết tâm chính trị và các giải pháp phòng chống tham nhũng của VN.
Nhưng phần “tuy nhiên” cũng không phải là ít, và vấn đề là: nó y hệt đánh giá của nhiều năm trước. Các cụm từ như tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp; Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền; Các vụ việc tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn vẫn được nhắc đến. Đặc biệt, báo cáo cũng thừa nhận “đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực”.
Hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng của VN được cho là đầy đủ bậc nhất, nhưng câu hỏi đặt ra là sự chuyển biến trên thực tế chưa đáng kể là vì sao?
Tham nhũng được định nghĩa là việc sử dụng quyền năng do chức vụ mang lại để hưởng lợi bất chính. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì quan trọng nhất là phải chế ước được các quyền năng này. Như vậy nếu chúng ta thiết kế được một hệ thống kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì sẽ hiệu quả hơn là tập trung vào việc chống. Bởi vì nếu không làm từ gốc, thì tham nhũng giống như vòi bạch tuộc, chặt đầu này sẽ mọc đầu khác mà thôi. Tuy nhiên, ở ta, ngay bản thân các đại biểu QH, trong nhiều phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng từng có, vẫn có tâm lý đặt quá nặng việc tìm kiếm các chế tài chống tham nhũng và ít chú trọng yêu cầu hiệu năng của các biện pháp phòng ngừa.
Trên thực tế, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, nộp lại quà tặng… được làm rất hình thức. Chẳng hạn, chúng ta coi kê khai tài sản là vấn đề mấu chốt của chống tham nhũng, nhưng lại không quy định công khai rộng rãi thông tin về tài sản và thu nhập. Người dân không được tiếp cận với các thông tin này và các bản kê khai cũng chưa được thẩm định.
Nếu thực sự muốn kê khai tài sản trở thành một công cụ hữu hiệu phòng, chống tham nhũng thì cần bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của người dân thông qua việc công khai toàn bộ các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; Phải quy định cụ thể về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ, công chức; Xây dựng quy định xử lý đối với việc kê khai không trung thực. Xây dựng cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức được nhắc đến từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn nằm trong ý tưởng, để thấy rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng còn rất gian nan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.