Chống dịch chưa quyết liệt

23/02/2012 03:40 GMT+7

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn tác động về mặt xã hội, kinh tế, du lịch… Trong những tuần đầu năm, nhiều loại bệnh truyền nhiễm (tay chân miệng - TCM; não mô cầu, sốt xuất huyết, cúm A) gia tăng, khiến người dân bất an, nhất là khi dịch bệnh xảy ra tập trung ở trẻ con thì sự lo ngại của các gia đình còn nhiều hơn nữa.

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn tác động về mặt xã hội, kinh tế, du lịch… Trong những tuần đầu năm, nhiều loại bệnh truyền nhiễm (tay chân miệng - TCM; não mô cầu, sốt xuất huyết, cúm A) gia tăng, khiến người dân bất an, nhất là khi dịch bệnh xảy ra tập trung ở trẻ con thì sự lo ngại của các gia đình còn nhiều hơn nữa. Mỗi khi có dịch bệnh, người dân rất muốn được cơ quan y tế thông tin đầy đủ về mức độ diễn tiến của dịch bệnh, hướng dẫn rõ ràng về các biện pháp phòng chống…

Năm ngoái, khi dịch TCM bùng phát dữ dội, sau khi rà soát lại các khâu phòng chống dịch, ngành y tế thừa nhận mình còn yếu ở khâu thông tin đến người dân, và cho biết sẽ khắc phục triệt để. Thế nhưng, qua trường hợp bệnh nhi nhiễm cúm A/H3N2 đầu tiên ở Việt Nam là cháu L.N.T.N (2 tuổi, tạm trú ở P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, một lần nữa cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh, thông tin ca bệnh để phối hợp trong phòng chống dịch giữa các cơ quan chuyên môn là chưa chặt chẽ, chưa nói là lơ là, chưa tròn trách nhiệm.

Điều đáng nói là, Viện Pasteur TP.HCM sau khi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên này không hề thông báo cho phía y tế TP.HCM (nơi bé L.N.T.N và gia đình sinh sống) biết để có những bước theo dõi, giám sát phòng bệnh tiếp theo ở khu vực này; và sau khi gặp gia đình bệnh nhi lần đầu để thông báo nhiễm bệnh, người của Viện hứa sẽ quay lại gặp gia đình lần nữa, nhưng rồi “một đi không trở lại”, khiến gia đình bệnh nhân hoang mang, không biết bệnh tình con trẻ thế nào, có nguy cơ lây lan ra cộng đồng hay không?

Ở những cuộc họp phòng chống dịch bệnh, nếu chỉ nghe y tế các địa phương, cơ sở báo cáo thì thấy đâu vào đó, tốt cả - đã chi bao nhiêu tiền để mua hóa chất, thuốc sát trùng diệt khuẩn; bao nhiêu hóa chất, thuốc sát khuẩn, tờ rơi đã được đưa đến các hộ gia đình; người dân có thể đến trạm y tế để lãnh hóa chất miễn phí… Thế nhưng, thực tế bao nhiêu hộ gia đình, người dân được cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn cặn kẽ, rõ ràng các biện pháp phòng chống dịch? Chỉ thấy rõ, là dịch bệnh ngày càng gia tăng; và trong đợt dịch TCM vừa rồi, có người dân ở TP.HCM đến trạm y tế xin hóa chất để về tự khử khuẩn thì được nhân viên y tế bảo loại miễn phí không còn, chỉ còn loại để bán; có hộ gia đình có trẻ nhỏ (lứa tuổi dễ nhiễm bệnh TCM) thì phản ánh: đâu thấy cán bộ y tế nào đến tuyên tuyền, phát hóa chất, hướng dẫn phòng chống bệnh đâu? Có hộ thì nói, cán bộ y tế đến “thảy” bịch hóa chất rồi đi, chẳng hướng dẫn gì (?).

Cũng cần cảm thông, công tác làm y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh có những khó khăn vất vả; mức hỗ trợ chưa tương xứng với tính chất công việc… Tuy nhiên, khó khăn đến đâu, y tế, địa phương phải ghi nhận, báo cáo, đề xuất để cấp trên giải quyết đến đó, chứ không vì thế mà lơ là, thiếu trách nhiệm, hậu quả bệnh dịch kéo dài, lan rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân và gây bất an cho xã hội. Đã gọi là phòng chống dịch bệnh thì phải cấp bách, quyết liệt, chống tình trạng lơ là, quan liêu, làm để báo cáo…

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.