Cần việc hiến kế

25/05/2015 06:38 GMT+7

Tuần này, các đại biểu Quốc hội sẽ có phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Dù phiên thảo luận bị thu gọn chỉ còn trong nửa ngày (chưa kể phải ghép với nội dung khác), nhưng đây vẫn là phiên họp rất quan trọng. Bởi nó sẽ bổ sung rõ nét hơn cho báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 mà Chính phủ đã trình bày.

Tuần này, các đại biểu Quốc hội sẽ có phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Dù phiên thảo luận bị thu gọn chỉ còn trong nửa ngày (chưa kể phải ghép với nội dung khác), nhưng đây vẫn là phiên họp rất quan trọng. Bởi nó sẽ bổ sung rõ nét hơn cho báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 mà Chính phủ đã trình bày.

Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội (KTXH) trước QH trước đó đã khá chi tiết nhưng cũng như các năm trước đây, “màu hồng” luôn là chủ đạo. Dù cũng có ghi nhận những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế, nhưng ngoài vấn đề bế tắc trong tiêu thụ nông sản, tình trạng ô nhiễm môi trường... thì những “mặt xám” của nền kinh tế năm nay khá chung chung. Vì thế, ở phiên thảo luận về KTXH, luôn đáng chờ đợi là những đánh giá, phân tích cụ thể của các đại biểu, không chỉ mặt tích cực mà phải cả những vấn đề thực tế, với những dẫn chứng cụ thể nhất trong đời sống.

Trao đổi ngoài giờ họp với báo giới, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dù ghi nhận những dấu hiệu phục hồi khá rõ nét của nền kinh tế nhưng cũng tỏ ý lo lắng các vấn đề mới phát sinh. Chẳng hạn tình trạng tái cơ cấu rất chậm ở một số lĩnh vực kinh tế, cụ thể như việc cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước đang có dấu hiệu chậm lại và chưa đi vào thực chất, do tỷ lệ bán cổ phần ra quá thấp, chưa thay đổi được mô hình quản trị. Hay một số lĩnh vực VN rất có tiềm năng, thế mạnh như du lịch lại không phát triển được, thậm chí sa sút. Có những lĩnh vực, dù Chính phủ nêu rõ được thực trạng như xuất khẩu nông, thủy sản bị giảm sút, có tình trạng bế tắc trong tiêu thụ khiến nông dân nhiều nơi khó khăn... nhưng giải pháp rõ ràng cho vấn đề nóng bỏng này hiện chưa rõ.

Một loạt vấn đề yếu kém khác như tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... và cả những vấn đề hệ trọng mà cử tri bức xúc, có nhiều kiến nghị đến QH kỳ này như vấn đề chủ quyền biển đảo cũng được người dân chờ đợi các ĐBQH nêu rõ quan điểm trong phiên thảo luận về tình hình KTXH tuần này.

Nhưng không chỉ cần nghe đánh giá, ý kiến mà trên hết, cả người dân và Chính phủ đều muốn nghe từ các ĐBQH những đề xuất, giải pháp để giải quyết, xử lý những yếu kém đó. Bởi nhận diện, đánh giá vấn đề không khó nhưng tìm giải pháp căn cơ để xử lý, không để những yếu kém đó lặp lại trong kỳ họp sau, nhiệm kỳ sau mới là điều cần các ĐBQH góp trí tuệ, sáng kiến để giúp Chính phủ hoàn thiện nhóm giải pháp, để điều hành nền kinh tế chuyển hướng, phục hồi nhanh và ổn định hơn trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.