Cẩn trọng với đầu tư ra nước ngoài

19/04/2011 01:08 GMT+7

Trước năm 1989, ít người có thể nghĩ rằng, VN lại có thể đầu tư trực tiếp (ĐTTT) ra nước ngoài. Những năm sau đó số lượng còn ở mức khiêm tốn, phải từ năm 2007 trở đi, ĐTTT ra nước ngoài mới tăng mạnh (năm 2007 đạt 929,2 triệu USD, năm 2008 đạt 3,364 tỉ USD, 2009 đạt 2,46 tỉ USD...).

Ba tháng đầu năm 2011, số vốn đăng ký đạt 1,264 tỉ USD.

Nếu tính từ năm 1989 đến nay, VN đã có 575 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt trên 23,7 tỉ USD, trong đó phần vốn của nhà đầu tư VN đã vượt 10 tỉ USD, còn lại là vốn của các nhà đầu tư khác với pháp nhân VN. Theo dự báo, năm 2011 VN sẽ có khoảng 1,8 - 2 tỉ USD vốn đăng ký ĐTTT ra nước ngoài, với khoảng 800 - 900 triệu USD được giải ngân. Các nhà đầu tư VN đã đầu tư ở 55 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều nhất là các nước Lào, Campuchia, LB Nga, Malaysia, Venezuela, Angeria, Mỹ... Nếu phân theo ngành kinh tế, ĐTTT ra nước ngoài của VN đã diễn ra ở 15 ngành kinh tế cấp I, trong đó lớn nhất là công nghiệp khai thác mỏ, tiếp đến là công nghiệp chế biến, hoạt động văn hóa và thể thao, các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, nông nghiệp - lâm nghiệp...

Việc tìm kiếm lợi nhuận khi đầu tư, sản xuất, kinh doanh là mục tiêu đương nhiên, đầu tiên và xuyên suốt trong hoạt động của doanh nghiệp. ĐTTT ra nước ngoài của các DN ở VN không ngoài mục đích này. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đặt ra một số vấn đề. Trong điều kiện cung - cầu ngoại tệ hiện đang mất cân đối, gây sức ép đến cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, biến động tỷ giá, thì việc các DN chuyển một lượng ngoại tệ lớn ra nước ngoài để đầu tư là chưa phù hợp...  Một số lĩnh vực như nghệ thuật, giải trí, tài chính ngân hàng, bất động sản - không thuộc lĩnh vực khuyến khích theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ ngày 20.2.2009, nhưng lượng vốn đăng ký hiện đã lên đến trên 1 tỉ USD. Gần đây đã xuất hiện hiện tượng đầu tư mang tính chất mua sắm nhà, đất, các tài sản có giá trị khác để phục vụ cho mục tiêu định cư, học tập hoặc sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Tình hình trên đòi hỏi cần có sự giải quyết theo 3 hướng. Các tập đoàn, tổng công ty, DNNN cần rà soát lại để cân nhắc việc tăng đầu tư ra nước ngoài vào lúc này. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo theo quy định về tình hình triển khai, hoạt động, kết quả đầu tư, kinh doanh của từng dự án. Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép ĐTTT ra nước ngoài. Ngân hàng NN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần chặt chẽ hơn trong việc cung ứng ngoại tệ cho các dự án ĐTTT ra nước ngoài, đặc biệt cần xem xét kỹ hơn hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.