Cần tính đường xa

25/10/2012 03:50 GMT+7

Tình hình xét tuyển ảm đạm của các trường ĐH, CĐ, TCCN và trường nghề bỗng trở nên “sôi động” khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ được phép áp dụng các quy định ưu tiên trong tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2012 mới được chỉnh sửa, bổ sung vào đầu năm chưa kịp áp dụng hết mùa tuyển sinh, thì nay Bộ lại điều chỉnh, quay trở lại những quy định đã bỏ trước đây.

Quy chế cũ có điểm ưu tiên cho các trường đào tạo nhân lực địa phương và đóng tại vùng dân tộc thiểu số. Thế nhưng nhiều năm qua, các trường đã lợi dụng để tuyển thí sinh (TS) đầu vào rất thấp, kém chất lượng. Trước thực tế này, ngay khi bắt đầu kỳ tuyển sinh năm 2012, Bộ đã chỉnh sửa quy chế, thay bằng chế độ ưu tiên xét tuyển cho TS là người dân tộc thiểu số, TS có hộ khẩu tại các huyện nghèo. Quy chế này được dư luận đồng tình vì không những mang tính nhân văn mà còn giúp phá bỏ cơ chế xin - cho tồn tại trong nhiều năm qua, hạn chế tối đa tiêu cực trong tuyển sinh… Thế nhưng, khi các trường gần ổn định việc xét tuyển, Bộ áp dụng lại điều đã bỏ!

Đó là chưa kể, Bộ cho phép các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại 3 khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ được xét tuyển bổ sung đối với TS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các địa phương này có kết quả thi ĐH, CĐ (đã cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) dưới điểm sàn không quá 1 điểm.

Các trường địa phương, đặc biệt trường ngoài công lập gặp khó khăn trong xét tuyển là chuyện đã tồn tại nhiều năm qua. Để giải quyết thực trạng này phải giải quyết từ gốc. Một trong những nguyên nhân, đã được đề cập rất nhiều lần, là do ào ạt mở quá nhiều trường ĐH. Bộ đã đi vào những giải pháp kỹ thuật như cho phép các trường kéo dài thời gian xét tuyển, không tính số nguyện vọng, không quy định điểm xét tuyển lần sau cao hơn lần trước… Thế rồi, cuối cùng những điều này cũng không giúp các trường ở vùng trũng tuyển sinh khá hơn.

Trước khi Bộ đưa ra điểm sàn tuyển sinh, các trường ngoài công lập có đề xuất cho những trường này mức điểm sàn riêng - thấp hơn mặt bằng chung một chút - để họ dễ xét tuyển. Bộ không đồng tình đề nghị này với lý do hết sức hợp lý: Để đảm bảo chất lượng vì điểm sàn là ngưỡng thấp nhất rồi. Vả lại, nguồn xét tuyển còn nhiều, trường nào không tuyển được thì phải xem lại chất lượng và uy tín của mình… Rồi đến nay, Bộ lại tự làm khó mình bằng cho phép các trường nằm trong khu vực ưu tiên nhận TS dưới điểm sàn.

Ngoài việc nhiều lần đưa ra chủ trương bất nhất (chẳng hạn như cuối năm 2011 có Thông tư 57 từ năm 2012 không cho phép các trường ĐH tuyển sinh bậc TCCN nhưng sau đó trước áp lực của các trường, lại điều chỉnh thời hạn đến năm 2017), việc áp dụng các quy định ưu tiên vào thời điểm các trường gần kết thúc xét tuyển khiến tình hình càng trở nên rối ren. Có không ít trường hợp các TS đã vào học các trường nghề, TCCN hoặc CĐ sẽ rút hồ sơ, nộp vào các trường được ưu tiên xét tuyển. Hệ thống trường nghề vốn đã ngắc ngoải nay càng thêm khó.

Điều quan trọng hơn cả là chất lượng của những TS này. Cộng tất cả các khoản ưu tiên, có không ít TS mỗi môn thi chỉ cần 3 điểm là vào được ĐH. Đặc biệt với những trường đào tạo các ngành liên quan đến sức khỏe, sư phạm đây là điều hết sức lo ngại.

Nếu chỉ lo cốt sao các trường tuyển được TS, thì các TS này ra trường liệu có đáp ứng được yêu cầu của xã hội? Và biết đâu sẽ dẫn đến tình trạng (tuy không chính thức công khai), các đơn vị tuyển dụng sẽ không chấp nhận bằng cấp của những TS từ các trường này?

Thùy Ngân 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.