Cần sòng phẳng

03/03/2015 05:31 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm qua, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện thời gian tới đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát và thu nhập của người dân, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải không đi thẳng vấn đề, mà tập trung nói về những cơ sở phải điều chỉnh giá điện như giá dầu, giá khí, thuế tài nguyên nước tăng, biến động tỷ giá…

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm qua, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện thời gian tới đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát và thu nhập của người dân, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải không đi thẳng vấn đề, mà tập trung nói về những cơ sở phải điều chỉnh giá điện như giá dầu, giá khí, thuế tài nguyên nước tăng, biến động tỷ giá…

 Trong rất nhiều lần điều chỉnh giá điện từ trước đến nay, những thông tin đầy đủ, cụ thể về các phương án điều chỉnh giá, những ảnh hưởng cụ thể đến các ngành sản xuất, thu nhập dân cư, tác động đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát... thì chi phí, giá thành sản xuất điện chưa bao giờ được công bố trước khi tăng giá điện, mà chỉ được giải đáp một phần sau khi giá điện chính thức tăng. Những phương án điều chỉnh tăng giá điện thường được đóng dấu mật để hạn chế sự tiếp cận của báo chí. Tuy nhiên, đây là một thói quen có hại. Bởi ít nhất, với cộng đồng doanh nghiệp (DN), điện là một chi phí đầu vào lớn, nhất là với những ngành sản xuất nước sạch, xi măng, phân bón, hóa chất, thép... Có những ngành, tiền điện chiếm tới 20 - 30% chi phí sản xuất. Cho nên, những thông tin sớm nhất về phương án điều chỉnh giá điện, mức tác động cần phải sớm được công bố để các DN có sự chuẩn bị, lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Việc chậm công bố những thông tin này, hoặc chỉ công bố sau khi giá điện tăng, khiến nhiều DN bị đặt vào tình trạng đã rồi, phải chấp nhận một biến số chi phí mới, đầy rủi ro cho việc kinh doanh của họ.
Không chỉ DN, những dữ liệu, thông tin không đầy đủ về điều chỉnh giá điện, về giá thành, sản xuất cũng khiến người dân hoài nghi về tính minh bạch của việc tăng giá điện. Cho nên, dù Bộ Công thương và EVN đưa ra nhiều giải thích như giá điện VN thuộc vào diện thấp nhất khu vực, chi phí ngành điện tăng cao, tăng giá để có nguồn lực đầu tư... nhưng nhiều thông tin cơ bản khác chưa được làm rõ thì rất khó để người dân, DN tin vào lý do việc tăng giá điện là xác đáng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thương đang xem xét, thẩm tra các phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo Chính phủ trong tháng 3. Vậy thì đây chính là thời điểm để Bộ và EVN công khai, minh bạch hơn nữa những thông tin về đợt điều chỉnh giá điện sắp tới. Từ đó, DN có sự chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2015, người dân chủ động tính toán mức chi tiêu, sinh hoạt của gia đình cho phù hợp, cơ quan nhà nước tính toán, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Còn vẫn giữ thói quen ém nhẹm thông tin, không công bố, giải thích đầy đủ thì bất cứ lý do nào Bộ Công thương hay EVN sau này đưa ra cũng khó nhận được sự đồng tình, chấp thuận của những khách hàng của ngành điện, dù họ vẫn phải miễn cưỡng móc túi trả tiền điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.