Buôn lậu 'chính ngạch'

30/01/2015 03:40 GMT+7

Không chỉ 'thì thụt' đi qua đường mòn, lối mở; đi đêm về hôm để trốn tránh cơ quan chức năng, hàng lậu nhiều năm nay đã trà trộn vào đường nhập khẩu chính ngạch và ngang nhiên đi vào thị trường nội địa. Việc này không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn làm điêu đứng nền sản xuất trong nước và người tiêu dùng phải gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt hại.

Không chỉ "thì thụt" đi qua đường mòn, lối mở; đi đêm về hôm để trốn tránh cơ quan chức năng, hàng lậu nhiều năm nay đã trà trộn vào đường nhập khẩu chính ngạch và ngang nhiên đi vào thị trường nội địa. Việc này không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn làm điêu đứng nền sản xuất trong nước và người tiêu dùng phải gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt hại.

Mới đây nhất, 1 container sữa Ensure nhập khẩu nhưng khai là lưới thép bị Hải quan cảng Cát Lái phát hiện. Trước đó, tháng 11.2014, cũng tại cảng này, lực lượng chống buôn lậu của hải quan đã yêu cầu dừng thông quan để kiểm tra và phát hiện 3 container loại 40 feet được khai báo là lưới thép nhưng bên trong đó tổng cộng 7.500 thùng sữa Ensure dạng nước, mỗi thùng 30 chai, hoặc 24 chai. Đối chiếu với tình trạng nhãn hiệu sữa Ensure không được bán ở VN (đồng nghĩa với không được nhập khẩu vào nội địa) nhưng vẫn tràn ngập thị trường thì rất có thể, phần nhiều trong số này cũng "đi" theo con đường nhập khẩu chính ngạch nhưng núp bóng một mặt hàng nào đó có thuế suất thấp mà chúng ta không phát hiện.

Hải quan TP.HCM cũng thừa nhận, thời gian gần đây không ít doanh nghiệp lợi dụng cơ chế phân luồng xanh để khai mặt hàng có thuế rất thấp nhưng lại nhập mặt hàng có thuế cao vì hàng thuế suất thấp ít bị kiểm tra. Tương tự, lợi dụng việc kiểm tra đại diện 5% lô hàng, rất nhiều mặt hàng lậu có xuất xứ từ Trung Quốc đã được "độn" vào trong container nhập khẩu hàng chính ngạch và ngang nhiên đi vào nội địa. Đáng sợ hơn là việc gian dối để nhập khẩu chính ngạch thực phẩm quá hạn sử dụng, kém chất lượng vào bán cho người tiêu dùng trong nước...

Có thể nói, buôn lậu ngày càng biến tướng, càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả để xử lý những trường hợp này. Rất nhiều vụ việc khi phát hiện ra có gian lận thì hàng có chủ trở thành... vô chủ. Các doanh nghiệp đứng tên trong các bộ chứng từ thanh toán lại từ chối nhận hàng với lý do hàng không đúng hợp đồng, không đúng chủng loại hàng hóa hay gửi nhầm địa chỉ... và hải quan cũng bó tay. Còn không phát hiện thì hàng lậu điềm nhiên đi ra chợ, leo lên quầy kệ trong siêu thị, ngang nhiên "sánh vai" với hàng nhập khẩu đàng hoàng. Doanh nghiệp bỏ túi lợi nhuận lớn trong khi nhà nước thất thu, người tiêu dùng vừa thiệt hại tài chính, vừa rủi ro sức khỏe khi mua phải những mặt hàng lậu không qua kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng có thẩm quyền trong nước. Và hàng lậu hoành hành nhiều năm

nay cũng là nguyên nhân đẩy không ít nhà sản xuất trong nước phải ngậm đắng nuốt cay, chết trên đống tồn kho vì không cạnh tranh nổi về giá.

Đó là lý do, bên cạnh những giải pháp giảm lãi vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, kích thích sức mua thì việc hạn chế hàng gian lận, hàng lậu được nhiều doanh nghiệp cho

là quan trọng nhất để giúp họ hồi phục trở lại trong năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.