Biến cơ hội thành lợi nhuận

13/10/2015 05:22 GMT+7

TPP nóng đến mức, khi tôi chưa kịp hỏi, một doanh nhân đã chủ động nói: "Bản năng của doanh nghiệp là biến cơ hội thành lợi nhuận". Vì thế, ông và nhiều doanh nghiệp thực sự thấy phấn chấn nhiều hơn là sợ hãi.

TPP nóng đến mức, khi tôi chưa kịp hỏi, một doanh nhân đã chủ động nói: "Bản năng của doanh nghiệp là biến cơ hội thành lợi nhuận". Vì thế, ông và nhiều doanh nghiệp thực sự thấy phấn chấn nhiều hơn là sợ hãi.

Vị này phân tích, với doanh nghiệp (DN) điều đáng sợ nhất là không có cơ hội. Còn có cơ hội mà không tận dụng được thì "tất yếu bị loại". Với TPP, cơ hội lớn nhất thuộc về các DN xuất khẩu. Chỉ riêng thị trường Mỹ với kim ngạch khoảng 10 tỉ USD/năm, thuế nhập khẩu vào nước này hiện khoảng 17% thì việc thuế suất giảm về 0% mỗi năm DN dệt may tiết kiệm khoảng 1,7 tỉ USD. Xuất khẩu thủy sản năm 2014 vào 2 thị trường Mỹ - Nhật (nội khối TPP) cũng lên tới 8 tỉ USD, nên ngoài việc tiết kiệm một khoản tiền lớn từ giảm thuế về 0%, các DN ngành này còn có cơ hội tăng mạnh kim ngạch vào các thị trường này. Các ngành đồ gỗ, một số mặt hàng nông sản... cũng tương tự.
Tất nhiên, cơ hội lớn thì thách thức lớn nên nhiều DN đã có sự chuẩn bị cho chuyến ra khơi lần này. Một số DN lớn đã tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu phụ trợ; nhiều DN đã chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc sang các nước nội khối, đáp ứng quy định xuất xứ của TPP để hưởng ưu đãi thuế. "Miếng bánh quá lớn, chỉ sợ không đủ sức mà làm thôi", vị doanh nhân nói.
Đầu ra thuận lợi nhưng tại sân nhà, nỗi lo về hàng hóa không thuế tràn vào sẽ đè bẹp hàng nội đang khiến không ít các vị lãnh đạo cũng như các chuyên gia đau đầu. Đặc biệt, chăn nuôi được coi là ngành sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Nhưng phát biểu trên một tờ báo hôm qua, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một trong những "đại gia" tiên phong chuyển hướng sang nông nghiệp, khẳng định ông không sợ TPP và mô hình chăn nuôi của ông "miễn nhiễm" với TPP. Tại sao vậy? Tại vì điểm yếu nhất khiến chăn nuôi nói riêng và nghề nuôi trồng nói chung của VN dễ bị tổn thương là do quy mô nhỏ, lẻ, manh mún. Còn Hoàng Anh Gia Lai là mô hình đầu tư khép kín trên quy mô lớn; áp dụng cơ giới hóa và công nghệ hiện đại trong mọi quy trình; tự chủ về thức ăn và tiến dần tới tự chủ về con giống... nên tiết giảm tối đa chi phí. Mấy năm qua, có rất nhiều tập đoàn lớn đã chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản như vậy. Họ được kỳ vọng sẽ đủ sức làm đối trọng với các "ông lớn" ngoại thời kỳ hậu TPP.
Nói như ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc Công ty CP sữa quốc tế IDP, cứ giả sử trong cuộc thi bơi, ai ỷ lại sẽ sớm chìm và bỏ cuộc chơi, người có ý chí sẽ tự cứu được mình và vượt đến đích an toàn. TPP là một bể bơi rộng lớn như vậy mà trong đó vận động viên bơi lội không phân biệt giọng nói, màu da đến từ 12 quốc gia và ai mạnh thì không bị chết chìm. Với VN, nếu có chính sách tốt, mở cửa và khuyến khích những nhà đầu tư lớn trong xây dựng vùng nguyên liệu, chắc chắn chúng ta sẽ đủ mạnh mẽ để ra khơi một lần nữa mà không sợ sóng gió như những cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.