Bất động sản đón đầu chính sách

26/12/2014 04:24 GMT+7

Thị trường bất động sản những tháng cuối năm đang trở nên sôi động với các thương vụ mua - bán của cả người dân và doanh nghiệp. Có một tín hiệu đáng mừng là các công ty trong nước vẫn đang 'làm chủ' thị trường mua bán, sáp nhập cũng như làm hồi sinh dự án dang dở, dự án chết.

Thị trường bất động sản những tháng cuối năm đang trở nên sôi động với các thương vụ mua - bán của cả người dân và doanh nghiệp. Có một tín hiệu đáng mừng là các công ty trong nước vẫn đang "làm chủ" thị trường mua bán, sáp nhập cũng như làm hồi sinh dự án dang dở, dự án chết.

Sự trở lại mạnh mẽ của các nhà đầu tư được cho là để đón đầu các chính sách mới về bất động sản (BĐS) sẽ có hiệu lực vào năm 2015 như thông qua luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS, luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động của thị trường BĐS, bảo vệ người tiêu dùng; đã cho phép Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước; cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà của các dự án nhà ở thương mại tại các khu vực mà Chính phủ không cấm người nước ngoài đi lại, cư trú; cho chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư khi đã có quỹ đất sạch; cho phép nhà đầu tư được sản xuất, kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm; khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì không cần phải ghi ngành nghề, doanh nghiệp được tự làm con dấu...

Rồi thủ tục hành chính, khâu gây tốn kém thời gian, chi phí, sức lực trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dự án cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm 50% so với hiện hành. Như vậy về mặt cơ chế, chính sách để tạo cung - tạo cầu đã hết sức thông thoáng. Vấn đề còn lại là các nghị định, thông tư hướng dẫn phải nhanh chóng, cụ thể và đặc biệt phải phát huy tối đa tinh thần thông thoáng, cởi mở của luật. Tránh tình trạng "trên mở, dưới trói", đánh mất cơ hội phục hồi của thị trường BĐS sau nhiều năm khủng hoảng. 

Về phía doanh nghiệp, cũng có sự “thay máu” cả về chất và lượng. Chúng ta vẫn thường nói khủng hoảng là cuộc thanh lọc cần thiết của nền kinh tế sau thời gian phát triển nóng. Nhưng nói về thanh lọc, có lẽ rõ ràng và mạnh mẽ nhất là ở thị trường BĐS bởi đây là thị trường "nóng" nhất xét về mọi mặt. Sau gần 6 năm đóng băng, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư BĐS theo phong trào, những nhà đầu tư yếu vốn, thiếu kinh nghiệm, những nhà đầu tư chỉ chăm chăm "lướt sóng" kiếm lợi khủng đã bị loại khỏi cuộc chơi. Tất nhiên vẫn còn không ít chuyện tồn tại nhưng không thể phủ nhận thị trường hiện nay đã xuất hiện các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp và uy tín. Họ đảm bảo về tiến độ, chất lượng; họ quan tâm đến dịch vụ hậu mãi sau khi bán dự án; chủ động kết nối với các ngân hàng tạo ra những gói vay với thời gian và lãi suất linh động; họ bỏ tiền đầu tư hạ tầng, đảm nhận phần duy tu bảo dưỡng hạ tầng...

Ở phân khúc cao cấp có thể kể đến Tập đoàn Vingroup, Novaland, Phát Đạt, Phú Mỹ Hưng..., phân khúc hạng trung như Hưng Thịnh Corp, Nam Long, Đất Xanh, Lê Thành... Nỗ lực của những nhà đầu tư này đã góp phần giải quyết tồn kho, nợ xấu; cung ứng cho thị trường những sản phẩm phù hợp nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng. Đó cũng chính là mặt tích cực mà cuộc khủng hoảng mang lại cho thị trường BĐS vốn quá lộn xộn bởi các cơn sốt ảo trước đây.

Chính sách đã có, nhà đầu tư đã chuyên nghiệp hơn... thị trường BĐS đang đứng trước cơ hội lớn để hồi phục và quan trọng hơn là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng sau nhiều năm quay lưng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.