Bài học từ nước Nhật

19/03/2011 01:00 GMT+7

Hình ảnh em bé 9 tuổi người Nhật từ chối khẩu phần ăn do một cảnh sát người Nhật gốc Việt cho riêng mình để bỏ vào thùng cứu trợ chung hay cảnh từng đoàn người nhẫn nại xếp từng hàng, lặng lẽ cúi gập đầu nói cảm ơn, xin lỗi khi nhận lương thực cứu trợ đã làm lay động trái tim hàng triệu người VN.

Tôi rớt nước mắt với niềm khâm phục tột cùng khi đọc những bài viết như thế. Tôi bèn in ra để đọc cho con trai nghe. Con tôi 4 tuổi, dù không biết người Nhật là ai, động đất là gì, nhưng tôi muốn khi nghe những câu chuyện như thế, cháu biết được rằng con người sống phải biết yêu thương, chia sẻ nhau.

Nước Nhật qua trận động đất, sóng thần, khủng hoảng hạt nhân trong gần tuần qua đã khiến thế giới cảm mến hơn, ngưỡng mộ hơn trước tình người, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn của một dân tộc.

Điều này không thể có được ngày một ngày hai mà phải là một quá trình giáo dục dài lâu để trở thành văn hóa ứng xử với cộng đồng.

Học đường ở VN hình như ít quan tâm đến việc dạy dỗ ứng xử mà chỉ chú tâm vào chuyện thi cử, điểm số dẫn đến một thực trạng đáng lo là nhiều người trẻ biết đến mình nhiều hơn những người xung quanh, dửng dưng trước cộng đồng, không quan tâm đến người khác.

Tôi vừa nhận một bức thư được gửi từ các học sinh lớp 12 của một trường THPT công lập ở Q.4, TP.HCM. Bức thư viết: “Bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng là màn truy bài đầu giờ và trở về nhà lúc 10 giờ đêm. Sau đó, tụi em lại phải thức khuya học bài để sáng hôm sau hoàn thành màn khảo bài buổi sáng. Khi chúng em phản đối với lịch học kín mít như thế này, giáo viên chủ nhiệm chỉ đáp gọn lỏn: “Không chịu được thì xin chuyển trường!”.

Thi cử đã là nỗi ám ảnh đối với học sinh ngay từ khi các em mới bước vào lớp 1. Học để thi, đó cũng là mục tiêu chính không chỉ riêng học sinh, phụ huynh mà các trường đã, đang và tiếp tục hướng đến trong bối cảnh ngành giáo dục đang chịu áp lực về chỉ tiêu, tỷ lệ đậu tốt nghiệp. Thường phụ huynh chỉ quan tâm đến việc con mình được bao nhiêu điểm, học được kiến thức gì chứ ít ai lưu tâm đến việc học sinh có được dạy dỗ về cách hành xử, ứng xử với mọi người. Chỉ số hài lòng hay không hài lòng giữa nhà trường và phụ huynh hầu như đều dựa vào điểm số.

Một giáo viên dạy văn có thâm niên 24 năm buồn bã nói với tôi rằng, nếu trước kia, môn Văn được xem là môn dạy làm người thì bây giờ trong tiết Văn học sinh lấy bài tập Toán ra giải là chuyện bình thường. Dù không muốn bị cuốn theo cách thức dạy để thi, học để thi nhưng do áp lực của nhà trường, do chương trình học đã phân bố sẵn, các giáo viên không thể dành thời gian dạy cho các em những điều cần thiết trong việc đối nhân xử thế để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong cơn hoạn nạn, xã hội Nhật đã thể hiện rõ nét những thành công của họ khi thực hiện dạy và học theo tinh thần mà Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đề ra từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Đó là: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người.

Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.