Áp đặt rủi ro

08/01/2015 04:49 GMT+7

Cách hành xử không thể đoán trước của cơ quan thẩm quyền là rủi ro hàng đầu trong chuyện làm ăn của doanh nghiệp, người dân. Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định trong một khoảng thời gian ngắn, không có lộ trình vừa được công bố là một dạng rủi ro như vậy.

Cách hành xử không thể đoán trước của cơ quan thẩm quyền là rủi ro hàng đầu trong chuyện làm ăn của doanh nghiệp, người dân. Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định trong một khoảng thời gian ngắn, không có lộ trình vừa được công bố là một dạng rủi ro như vậy.

“Rùng mình” là mô tả của chủ tịch hội đồng thành viên một tập đoàn tư nhân chuyên hàng tiêu dùng về cảm xúc khi ông đọc thông tin này. Hẳn là các doanh nghiệp (DN) quá e sợ khi hình dung ra khoản tiền hàng tỉ đồng sẽ phải chi phí trong vòng 2 tháng tới, để thay đổi bao bì sản phẩm (có in số điện thoại đường dây nóng), biển hiệu công ty, đặc biệt là những biển quảng cáo tấm lớn ngoài trời trải khắp từ bắc chí nam, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đang không mấy thuận lợi.
Bất cứ một chủ trương, chính sách nào của nhà nước khi ban hành đều đòi hỏi chi phí tuân thủ, con số ấy tính trên toàn xã hội không bao giờ nhỏ (theo tính toán của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu - OECD, chi phí trực tiếp bỏ ra cho việc tuân thủ chính sách, pháp luật thường chiếm 4 - 12% GDP của mỗi quốc gia). Chính vì vậy, việc ban hành chính sách mới bất kỳ, thường được quản rất chặt ở các nước. Bởi nếu chi phí tuân thủ quá cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, tác động đến người dân, làm giảm tính cạnh tranh của DN và hơn nữa, nó có thể khiến cho đối tượng điều chỉnh của chính sách không muốn tuân thủ, tức là không đạt được mục đích của chính sách.
Quay trở lại câu chuyện thay đổi mã vùng điện thoại cố định trên toàn quốc, mà nguyên nhân được lý giải là vì thực trạng “yếu kém” trong quản lý kho số viễn thông, có rất nhiều điểm cần phải bàn.
Thứ nhất, tài nguyên số có hạn, việc cần phải quy hoạch lại để sử dụng cho tiết kiệm, hiệu quả là điều cần thiết. Nhưng một sự việc liên quan đến hàng triệu người, hàng trăm nghìn DN như thế, lại được đưa ra áp đặt trong một thông tư, không hề có dự báo liệu có thỏa đáng?
Thứ hai, dạng thức văn bản cũng cần phải xem xét lại. Thông tư là dạng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ một ngành, lĩnh vực nào đó, không chứa quy phạm buộc người dân và xã hội phải tuân thủ. Trong trường hợp này thông tư quy hoạch kho số viễn thông được áp dụng “cho mọi cá nhân, tổ chức quản lý, khai thác và sử dụng kho số”, với những thay đổi đòi hỏi chi phí tuân thủ cao như vậy, e rằng quá thẩm quyền.
Vấn đề kho số viễn thông quá tải do kiểm soát kém, đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu, do vậy không thể nói vì bức xúc mà phải đổi mã vùng ngay lập tức, gây khó khăn, tốn kém cho DN, người dân. Cần phải tính toán đầy đủ về chi phí tuân thủ, có cân nhắc về lộ trình đảm bảo việc thực thi cho xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.