'Ăn vặt' nhưng mất lớn

07/07/2014 03:00 GMT+7

Đó là hậu quả của việc "cán bộ thuế ăn vặt" mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong Hội nghị triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm hồi cuối tuần trước.

Đó là hậu quả của việc "cán bộ thuế ăn vặt" mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong Hội nghị triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm hồi cuối tuần trước.

>> Bộ trưởng Tài chính: 'Người dân phàn nàn lắm, vì cán bộ thuế chỉ ăn vặt

Mất đầu tiên là thời gian, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới mỗi năm người dân và doanh nghiệp trong nước mất tới 872 giờ (100 ngày) dành cho thủ tục thuế, cao gấp 4 - 5 lần các nước trong khu vực.

Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp (DN) nhỏ, số thời gian dành cho nộp thuế chiếm 1/3 thời gian làm việc, tương đương... 4 tháng. Con số này chưa được Ngân hàng Thế giới (WB) "quy" ra tiền nhưng cũng theo tổ chức này, nếu rút ngắn được 29 ngày làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho DN, GDP của VN đã tăng được khoảng 27,3 tỉ USD. Nhìn vào đó sẽ thấy, với trung bình 100 ngày làm thủ tục thuế của mỗi DN hiện nay chúng ta đã "mất lớn" đến chừng nào.

Mất thứ hai là ngân sách thất thu. Vì bị "hành", tâm lý trốn, né thuế sẽ nảy sinh, ở khía cạnh này, ngân sách mất đi một khoản không nhỏ. Một nghiên cứu trước đây của WB thể hiện rất rõ điều này.

Nghiên cứu trên viện dẫn, ở Hồng Kông, DN chỉ phải đóng 4 loại thuế, chiếm 29% lợi nhuận và chỉ mất 80 giờ/năm nên các DN rất tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ngược lại, ở Belarus, DN phải đóng 12 loại thuế, chiếm gần hết lợi nhuận và tốn 1.188 giờ/năm nên nhiều DN tìm mọi cách trốn thuế. Như vậy có thể thấy, chi phí - thời gian nộp thuế rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến việc tuân thủ luật thuế của DN, người dân. Nhưng cái mất cực lớn là trường hợp cán bộ thuế bắt tay ăn chia với DN phần thuế trốn. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nghi án trốn thuế được phanh phui. Trên thực tế, rất khó để DN có thể qua mắt được nhà thuế nếu đơn vị này làm nghiêm. Rồi những nghi án chuyển giá trốn thuế của nhiều tập đoàn đa quốc gia tại VN. Rõ ràng là họ sống khỏe khi hoạt động hàng chục, thậm chí hai chục năm trời. Họ liên tục xây thêm nhà máy, bành trướng thị phần, lương cao thưởng lớn... nhưng lại báo lỗ triền miên. Nếu thực sự lỗ, họ tới đây làm gì và ở lâu đến vậy?

Mất lớn hơn nữa là hình ảnh môi trường đầu tư của VN. Chúng ta đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng chúng ta xếp "đội sổ" trong khu vực về thủ tục thuế dễ khiến cho nhà đầu tư nản lòng. Chúng ta sẽ thuyết phục họ thế nào khi chỉ riêng thủ tục thuế đã "ngốn" của DN hơn 3 tháng trời mỗi năm? Chúng ta giải thích thế nào khi hình ảnh rất nhiều cán bộ thuế đã trở thành "ngáo ộp" với dân, với DN?; thủ tục "hành là chính" để ăn tiền cũng từ đây mà ra... Cuối cùng là một môi trường méo mó, đi đêm; năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế trên bảng xếp hạng của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới bị hạ. Cái mất này nếu tính đúng - đủ là cực lớn.

Cơ sở để có thể "ăn vặt" là do thủ tục thuế của ta có quá nhiều quy trình. Chúng ta đang yêu cầu tới bốn lần khai, nộp thuế VAT/năm, trong khi Thái Lan chỉ cần một lần; Malaysia chỉ yêu cầu bốn loại giấy tờ để hoàn thành thủ tục nhập khẩu thì VN yêu cầu tám... Muốn rút ngắn thời gian nộp thuế phải rút ngắn quy trình, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN, hạn chế được ăn vặt.

Chính phủ đã yêu cầu giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ, bằng với các nước trong khu vực vào năm 2015. Hy vọng khi đích thân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chỉ rõ tệ ăn vặt của ngành thuế thì việc cải cách thủ tục thuế sẽ được thực hiện quyết liệt, triệt để.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.