Ám ảnh người nghiện cầm lái

20/01/2015 04:55 GMT+7

526/136.000 tài xế nghiện ma túy chưa phải con số cuối cùng. Bởi chính Bộ GTVT thừa nhận có nhiều lý do khiến số liệu kiểm tra chưa phản ánh hết thực tế. Chẳng hạn như mẫu xét nghiệm chưa đầy đủ; nhiều doanh nghiệp lảng tránh không thực hiện khám hoặc khám qua loa, để tài xế tự đi khám; nhiều tài xế trốn tránh khám sức khỏe.

526/136.000 tài xế nghiện ma túy chưa phải con số cuối cùng. Bởi chính Bộ GTVT thừa nhận có nhiều lý do khiến số liệu kiểm tra chưa phản ánh hết thực tế. Chẳng hạn như mẫu xét nghiệm chưa đầy đủ; nhiều doanh nghiệp lảng tránh không thực hiện khám hoặc khám qua loa, để tài xế tự đi khám; nhiều tài xế trốn tránh khám sức khỏe.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra cũng chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm nước tiểu, trong khi để hoàn toàn chính xác phải dựa vào xét nghiệm máu...
Vụ tai nạn xe khách thảm khốc tại cầu Sêrêpốk (Đắk Lắk) hồi năm 2012 vẫn còn ám ảnh nhiều người, mà ám ảnh hơn khi biết rằng tài xế từng có tiền án 7 năm tù về tội mua bán chất ma túy. Và tài xế “dính” ma túy chính là lý giải cho việc chiếc xe khách đang lưu thông bình thường bỗng lạng sang phải, đụng vào gờ chắn bê tông, nổ lốp trước và lật nhào xuống sông. 34 mạng người trong tích tắc cho một phút “thăng hoa” của tài xế dẫn đến không làm chủ được tay lái, là trả giá quá đắt.
526 tài xế dính ma túy và còn hơn thế nữa khiến cho người viết rùng mình. Bao nhiêu mạng người sẽ còn phải trả giá cho việc thiếu kiểm soát sức khỏe, an toàn lái xe nữa?
Kiểm tra, phát hiện tài xế nghiện ma túy để “cắt hợp đồng”, “cho nghỉ việc” cũng tốt, nhưng như đã nói, con số phát hiện dường như chỉ là phần nổi của tảng băng. Cho nên, cần các biện pháp triệt để, căn cơ hơn.
Ở Mỹ, nơi có tới hơn 50% tài xế gây tai nạn giao thông có kết quả test dương tính với ít nhất 1 loại ma túy, người ta kiểm soát lái xe nghiện ma túy từ khâu dạy lái xe. Một trong những điều kiện để được học lái xe là phải có giấy xác nhận không nghiện ma túy. Giấy xác nhận này không phải do khám sức khỏe mà được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về người nghiện ma túy, do cảnh sát và các địa phương cung cấp. Thậm chí, theo quy định này, cả những người nghiện rượu cũng không được học lái xe. Những người bị phát hiện mới sử dụng ma túy cũng sẽ bị hủy bằng lái xe, chứ không phải “treo bằng” 24 tháng như ở ta, cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ở ta, dự thảo về thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe, đã 4 năm chưa ban hành được. Thế nên mới có chuyện “khỏe yếu gì đều lái xe chạy vù vù”, trong khi sự khỏe, yếu của tài xế xe tải là sự bảo đảm cho an toàn tính mạng của hàng nghìn người tham gia giao thông. Đó là chưa kể, trong bản dự thảo vừa công bố mới đây, cũng không có quy định về nghiện ma túy.
Cần ban hành quy chuẩn riêng với người lái xe tham gia vào kinh doanh vận tải, trong đó phải có quy định khám sức khỏe định kỳ, thay cho quy định chỉ khám khi đổi bằng lái - chưa nói đến chuyện giấy khám sức khỏe này có thể mua được một cách dễ dàng với vài chục đến trăm ngàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.