Chàng trai kiếm gần 100 triệu đồng/tháng nhờ nghề đan mây

Tấn Đạt
Tấn Đạt
09/09/2023 07:30 GMT+7

Từ những dây mây thô sơ, anh Nguyễn Văn Bảo (33 tuổi), ngụ Q.12, TP.HCM, đã "hô biến" thành những đồ vật có hình dáng con cá tuyệt đẹp. Với cách làm này, mỗi tháng anh thu về gần 100 triệu đồng.

Nghỉ việc về mở xưởng đan mây

Anh Bảo quê ở Nghệ An, phải nghỉ học và đi làm từ sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 2010, anh quyết định vào TP.HCM làm công nhân. "Lương ít, công việc thì nhiều, mình làm cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không dư giả nên quyết định vào thành phố để mưu sinh kiếm sống", anh kể lại.

Chàng trai kiếm gần 100 triệu đồng/tháng nhờ nghề đan mây- Ảnh 1.

Anh Bảo tỉ mỉ làm những con cá bằng dây mây

Tấn Đạt

Tại nơi đất khách quê người, anh Bảo được mở mang tầm mắt, biết thêm nhiều điều mới lạ.

"Mình hay được công ty cử đi tham gia các chương trình liên quan về tay nghề, như: cắm hoa, bài trí trái cây… Bên cạnh đó, ngay từ nhỏ mình có năng khiếu về thủ công, cộng thêm việc chứng kiến cảnh ba mẹ đan tre nên trong lòng luôn muốn sau này sẽ kinh doanh hay trở thành ông chủ trong lĩnh vực này", anh nói.

Anh Bảo kể một ngày đẹp trời, vô tình thấy trên mạng những sản phẩm con cá được làm thủ công rất đẹp, khi đó trong lòng luôn tò mò và cũng muốn tự mình làm được như vậy. Tuy nhiên, lúc đầu anh có thử qua nhiều loại như: gỗ lũa, tre, nhưng thấy không dễ làm và khó để sản xuất đồng loạt. Sau đó, anh mới thử qua dây mây và thấy rằng chất liệu này dễ uốn nắn, tạo hình, không khó để tìm nguồn nguyên liệu, nên anh quyết định chọn dây mây để làm sản phẩm thủ công.

Chàng trai kiếm gần 100 triệu đồng/tháng nhờ nghề đan mây- Ảnh 2.

Những sản phẩm cá bằng mây dùng để trang trí tại nhà ở hoặc nơi làm việc

Năm 2022, anh Bảo quyết định nghỉ việc, thuê một căn nhà ở P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, để làm xưởng thủ công chuyên sản xuất các sản phẩm từ mây.

Anh Bảo cho hay đó là quyết định táo bạo của cuộc đời mình. "Mình đã viết đơn nghỉ việc sau một đêm thức trắng. Lấy hết số tiền dành dụm để mua máy móc, nhập dây mây rừng về làm", anh Bảo chia sẻ.

Thật may mắn, những con cá được làm từ mây của anh Bảo được nhiều người yêu thích và mua về dùng trang trí. "Mình tận dụng mạng xã hội, những mối quan hệ gần 10 năm đi làm của mình để kinh doanh, quảng bá sản phẩm. May mắn được mọi người ủng hộ, bạn bè khen, nhờ thế mình có động lực hơn", anh Bảo kể.

Hiện tại, xưởng anh Bảo có 3 nhân công, các sản phẩm anh sản xuất chủ yếu được bán cho các thương lái, nhà hàng, khách sạn và cả bán lẻ cho những hộ gia đình để trang trí không gian sống, làm việc…

Kết hợp với nguyên liệu khác

Theo anh Bảo, để hoàn thiện được một sản phẩm cá từ dây mây, cần trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Từ việc tìm nguồn nguyên liệu, chọn nguyên liệu, tới chế biến, uốn nắn, dán keo, bảo quản…, tất cả đều đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo tay nghề.

"Mỗi con cá bằng mây tùy vào độ lớn nhỏ mà thời gian hoàn thiện khác nhau. Thường mình sẽ lên ý tưởng thiết kế dáng, chọn nguyên liệu và kích thước phù hợp rồi đan thân và đầu cá, vây, đuôi và mắt theo dạng xoắn riêng biệt. Sau đó lắp ráp các chi tiết lại bằng keo dán. Cuối cùng là đánh bóng và sơn hoàn thiện", anh Bảo nói.

Anh Bảo cũng cho biết thêm: "Về cơ bản, kỹ thuật đan mây vẫn có những đường đan cố định, sau đó người làm mới khéo léo tạo hình bằng những đoạn dây ngắn. Nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng chỉ cần một chút sai sót nhỏ trong đường đan dây nào đó sẽ kéo theo sự mất cân đối, hủy đi tính thẩm mỹ của sản phẩm".

Không chỉ dừng lại ở những con cá từ mây, để thu hút khách hàng, anh Bảo còn kết hợp mây với tre, gỗ, thiết bị điện tử để sản phẩm đa dạng hơn. Cụ thể hơn, anh Bảo cho biết: "Sau khi làm khung cá từ dây mây, phần vây cá mình sẽ làm bằng gỗ vania đã được sơ chế qua các công đoạn chẻ vót theo kỹ thuật nhất định, sau đó gắn thiết bị đèn bên trong để sản phẩm mềm mại, mới lạ hơn".

Anh còn sáng tạo làm ra những sản phẩm bằng mây trưng bày có hình dáng khác, như: bạch tuộc, con ốc… Hiện nay, các sản phẩm do anh làm ra được nhiều người biết đến và phân phối trên thị trường các tỉnh lân cận.

"Mỗi sản phẩm của mình có giá từ 500.000 đồng trở lên, tùy vào độ chỉn chu, kỹ thuật cao, kích thước lớn nhỏ, hay nhiều chi tiết khó hơn. Trung bình mỗi tháng mình thu về gần 100 triệu đồng từ việc làm đan mây này", anh Bảo cho hay.

Ông Lưu Minh Ngôn, Tổ phó Tổ 66, KP.6, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, đánh giá cao những sản phẩm của anh Bảo, từ độ thẩm mỹ đến nguyên liệu cũng như tạo cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn.

"Trong thời gian tới, khu phố sẽ mang những sản phẩm từ mây của anh Bảo tham gia các hoạt động về kinh doanh, chương trình lập nghiệp do địa phương tổ chức, để từ đó mọi người biết đến sản phẩm về mây nhiều hơn, tăng nguồn đầu ra cho anh Bảo", ông Ngôn nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.