Chặn sở hữu chéo, siết quy định ngân hàng bán bảo hiểm

16/01/2024 07:16 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng các quy định đưa ra trong dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo ngân hàng hay tình trạng chèn ép khách vay mua bảo hiểm hiện nay.

Góp ý dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 15.1, đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng phải luật hóa để có chế tài xử lý nghiêm với hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Lý do, nhiều nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn.

Nêu trường hợp thực tế chứng kiến, ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) kể một phụ nữ vì trả nợ phải đến ngân hàng cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ hết 20 triệu đồng, nên chỉ còn được vay 280 triệu đồng. "Khách hàng bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài, khóc nấc", ông Thịnh chia sẻ.

Dẫn lại số liệu thanh tra 4 công ty bảo hiểm của Bộ Tài chính năm 2023, ĐB đoàn Bắc Giang cho biết tỷ lệ khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm sau năm đầu lên tới 70%, chịu mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán bảo hiểm qua ngân hàng thương mại đã có mức phí khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng.

"Nhiều ngân hàng gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu, thì số tiền khách hàng vay vốn phải mất thêm lên tới 48% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế sau khi phải mua bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng", ông Thịnh nêu.

Đặc biệt, phần phí từ hợp đồng bảo hiểm đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong lợi nhuận các ngân hàng. Đơn cử, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) là hơn 23.000 tỉ đồng, phí trả trước cho hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ là hơn 9.000 tỉ đồng; với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tương ứng là hơn 9.500 tỉ đồng, phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỉ đồng, chưa tính số "hoa hồng" đại lý được hưởng.

"Nếu dự thảo luật chỉ quy định bổ sung ngân hàng thương mại được thực hiện làm đại lý bảo hiểm theo quy định pháp luật thì sẽ không có gì đảm bảo tránh tình trạng chèn ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn", ĐB Phạm Văn Thịnh băn khoăn. Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất không nên cho phép ngân hàng liên kết bán bảo hiểm, do có quá nhiều hệ lụy đã xảy ra.

Không đủ ngăn vụ việc như SCB tái diễn

Góp ý quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, ĐB Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đánh giá việc này "không có nhiều ý nghĩa trong hạn chế sở hữu chéo", chưa thể tạo ra rào cản đối với dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội. Lý do, theo bà, những sai phạm thời gian qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những "người chủ ngân hàng" cao hơn rất nhiều so với quy định, thông qua công ty con, công ty liên kết hoặc cá nhân đứng tên.

"Khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng về bản chất rất phức tạp. Nhìn trên giấy tờ nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối", bà An nhận định.

Nữ ĐB cũng đề xuất bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với "hiệu quả còn khá mơ hồ" thì cần siết chặt điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan đến cổ đông. Đồng thời, có hệ thống giám sát chéo, thiết lập khung pháp lý để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm khi vi phạm.

Đồng quan điểm, ĐB Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, gây rủi ro cho hệ thống. Điều này cho thấy quy định sở hữu cổ phần tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng. Một số cổ đông dù không rơi vào trường hợp như quy định trong luật nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với nhau, đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung.

Tiếp thu, giải trình nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, cho biết đây là "luật rất khó, phức tạp, chuyên sâu rất cao". Trong đó, quy định siết sở hữu chéo, thao túng, chi phối của các tổ chức tín dụng là một vấn đề hết sức quan trọng, một biện pháp không đủ mà phải áp dụng tất cả các biện pháp.

"Như trường hợp của SCB thời gian vừa qua, mặc dù bây giờ sở hữu của cá nhân chỉ 5%, nhưng người ta lại nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên, nên chỉ quy định trong luật là không đủ mà phải trong cả công tác tổ chức triển khai thực hiện, giám sát", ông Thanh nói, và cho biết đã có các đề án về công nghệ thông tin để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Đồng thời, sẽ mở rộng các đối tượng người có liên quan đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô dì, chú bác, đến cả các cháu, tức là 5 thế hệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.