Chăm sóc sức khỏe tâm thần người lao động

01/12/2023 08:19 GMT+7

Sức khỏe tâm thần chịu tác động bởi môi trường làm việc, nơi sinh sống. Công việc áp lực căng thẳng dễ khiến người lao động bị lo âu, stress…

Trong 2 ngày (30.11 - 1.12), tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Vương quốc Bỉ - Luxembourg tại Việt Nam (BeLuxCham), Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, tổ chức hội nghị "Ứng dụng từ tiêu chuẩn quốc tế tới triển khai thực tiễn tại Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Vương quốc Bỉ, Việt Nam - Luxembourg; 20 năm thành lập BeLuxCham tại Việt Nam. Trong khuôn khổ hội nghị, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ và BeLuxCham phối hợp doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung, tổ chức phiên thảo luận về chủ đề "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động", vào chiều 30.11.

Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng hiệu quả công việc

Buổi thảo luận có sự tham dự của đại diện các đơn vị sử dụng lao động, trường học, các chuyên gia tâm lý…

Mục đích thảo luận để mọi người có cái nhìn tổng quan về sức khỏe tâm thần của người lao động. Nắm bắt thực trạng các góc nhìn của đơn vị sử dụng lao động về sức khỏe tâm thần. Cập nhật, chia sẻ giải pháp từ các doanh nghiệp và chuyên gia.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần người lao động - Ảnh 1.

Ông Karl Van den Bossche, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị "Ứng dụng từ tiêu chuẩn quốc tế tới triển khai thực tiễn tại Việt Nam"

K.V

Theo ông Karl Van den Bossche, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, sức khỏe tâm thần là nền tảng cho hạnh phúc và hoạt động hiệu quả của mỗi cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là các rối loạn mà còn là khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc, phản ứng của người khác.

Sức khỏe tâm thần là trạng thái cân bằng, cả bên trong với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần… đều tham gia tạo ra sự cân bằng này. Một cá nhân hạnh phúc sẽ là nhân tố quan trọng giúp một gia đình, một doanh nghiệp nói riêng và cả xã hội, cộng đồng cùng hạnh phúc và đem lại năng suất làm việc hiệu quả.

Lo âu, stress bởi áp lực công việc

Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, ước tính khoảng 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động mắc chứng rối loạn tâm thần; ước tính mất khoảng 12 tỉ ngày làm việc mỗi năm do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại 1.000 tỉ USD mỗi năm về năng suất lao động, trên toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, trong đó trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm nhiều nhất.

Về sức khỏe tâm thần của người lao động, nhân viên hay gặp tại nơi làm việc, theo tiến sĩ Steven Phạm, đó là lo âu, stress, trầm cảm. Lo âu, stress bởi áp lực công việc như, về doanh số, KPI… Sức khỏe tâm thần chịu tác động bởi công việc, môi trường (môi trường sống; môi trường nơi làm việc), nền tảng gia đình…

Chăm sóc sức khỏe tâm thần người lao động - Ảnh 2.

Bà Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ về những tác động đến sức khỏe tâm thần

K.V

Trầm cảm là 1 trong 5 căn bệnh được WHO cảnh báo gây cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực châu Á. Đặc biệt, trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.

Bà Lesley Miller, Phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cho biết khi đối diện với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống, việc làm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Trẻ em, phụ nữ là thành phần dễ bị tác động ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Theo bà Lesley Miller, sức khỏe tâm thần của trẻ bị tác động bởi môi trường gia đình, bạn bè, nhà trường. Phụ nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi dễ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần vì áp lực thời gian, công việc...

Quan tâm sức khỏe tâm thần người lao động

Tại buổi thảo luận, giải pháp chăm lo sức khỏe tâm thần cho người lao động được chuyên gia đề cập là thực hiện xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc. Nếu môi trường làm việc có sự yêu thương, chăm sóc cho nhau, sẽ đem lại hiệu suất công việc cao; thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ đó có các hành động phòng ngừa; chương trình hỗ trợ thực tiễn cho những công nhân viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần (như gói tham vấn, trị liệu tâm lý...).

UNICEF thì quan tâm về sức khỏe, sự an toàn và hành vi của trẻ em, chăm sóc nuôi dưỡng và nhận diện sớm cũng như ngăn ngừa bạo lực gia đình; cải thiện sự tự tin của cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy con cái và hỗ trợ lẫn nhau.

Trạm tâm lý Tâm Nhung (Women's House - psychology station) của đơn vị Tâm Nhung cùng các chuyên gia tâm lý từ các viện, trường đã triển khai hỗ trợ nhóm cho đội ngũ người lao động, nhân viên về các chủ đề liên quan tới áp lực tâm lý xoay quanh cuộc sống, đặc biệt là gánh nặng của người phụ nữ trong gia đình.

Theo bà Trần Huyền Nhung (Giám đốc điều hành doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung), đây là hoạt động phi lợi nhuận, nhằm giúp việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Từ đó, người dân, người lao động có hành động phòng ngừa tốt hơn và tìm kiếm tham vấn, điều trị thích hợp ngay từ giai đoạn đầu, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình của họ, giảm thiểu các biến chứng do các rối loạn tâm thần gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.