CEO MB: Tín dụng xanh là xu hướng để phát triển bền vững

28/08/2023 10:00 GMT+7

Tín dụng xanh, ngân hàng xanh là những lĩnh vực đã và đang được nhiều ngân hàng quan tâm. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng đương đầu với thử thách để đạt được mục tiêu "xanh hóa" nguồn tín dụng của mình.

Xu hướng "xanh để bền vững"

Tín dụng xanh đang là chủ đề "nóng" trên toàn cầu, được các định chế tài chính tham gia tích cực nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Đó là chiến lược cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ đến khách hàng có hoạt động ít gây rủi ro hoặc thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung, là biểu hiện của nền tài chính hướng đến sự phát triển bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Năm 2021, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trước đó từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, năm 2018 là Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó có định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

CEO MB: Tín dụng xanh là xu hướng để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh là một trong những chiến lược quốc gia

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng từ năm 2015 đã triển khai tín dụng xanh, nhưng quy mô còn nhỏ và ít. Năm 2018, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam. Đến năm 2022 đã có khoảng 19 tổ chức tín dụng tham gia, dư nợ vào khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Các dự án xanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này chủ yếu là dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, môi trường, xe điện…

MB hướng đến mục tiêu tiên phong trong công cuộc "xanh hóa" nguồn tín dụng

Là một trong những ngân hàng đặc thù, với sự điều hành và quản trị của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội, MB từ lâu luôn đề cao các vấn đề về môi trường, xã hội và ưu tiên các doanh nghiệp có hoạt động thân thiện cùng lĩnh vực. Năm 2017-2018, Ngân hàng Quân đội (MB) tiếp tục tiên phong trong việc cho vay dự án năng lượng tái tạo. Chia sẻ của Tổng giám đốc MB - ông Phạm Như Ánh, thời điểm đó những dự án năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió là lĩnh vực mới ở Việt Nam với nhiều mối lo về rủi ro, và NIM (biên lợi nhuận) mỏng vì cho vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên qua nghiên cứu, MB đánh giá đây là các dự án góp phần tích cực cho xã hội, lại trong tầm kiểm soát của ngân hàng nên đã tự tin hợp tác.

CEO MB: Tín dụng xanh là xu hướng để phát triển bền vững - Ảnh 2.

MB phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam

Ông Ánh khẳng định, các khoản vay thời điểm đó cho đến nay đều an toàn, các dự án đều hoạt động tốt. Giai đoạn Covid-19 vừa qua, một số dự án gặp khó khăn nhưng hiện tại đã ổn định. MB cũng đánh giá tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Được biết MB hiện dành tới 8-10% tổng dư nợ để cho vay đối với các lĩnh vực tín dụng xanh. Ngân hàng đồng thời đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.

"Với tín dụng tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm (hiện dư nợ cho vay của MB là trên 600 ngàn tỉ đồng) thì con số mà ngân hàng dành cho tín dụng xanh đang rất lớn. Bởi một số ngân hàng lớn trên thế giới chỉ dùng khoảng 8% dư nợ để cho vay năng lượng tái tạo, tín dụng xanh và chuyển đổi thì tỷ lệ của MB đã lên tới 10-11%" - CEO MB chia sẻ.

CEO MB: Tín dụng xanh là xu hướng để phát triển bền vững - Ảnh 3.

Ông Ánh cũng cho biết, đối với cho vay tín dụng xanh nói riêng và làm ESG nói chung thì không thể tính tới lợi nhuận được mà phải tính đến sự hỗ trợ cho xã hội, vì môi trường và sự phát triển bền vững mà chấp nhận bỏ ra chi phí để làm. Đây hoàn toàn không phải các hoạt động bộc phát mà đã nằm trong kế hoạch và được MB thực hiện đều đặn trong nhiều năm trở lại đây. Mỗi chương trình đều được thống nhất ý kiến bởi tất cả các cổ đông từ chiến lược đến kinh phí trích lập từ nguồn lợi nhuận sau thuế của MB.

Ngân hàng cũng cân đối được nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời MB cũng kiểm soát được chi phí hoạt động để năm sau thấp hơn năm trước, mà phần quan trọng là nhờ chuyển đổi số. Hiện MB là ngân hàng hàng đầu thị trường về chuyển đổi số.

Tất cả 3 lý do đó giúp MB đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh mà Hội đồng quản trị, cổ đông giao. "Cho vay tín dụng xanh nói riêng và làm ESG nói chung ở MB sẽ không ảnh hưởng xấu đến quyền lợi cổ đông, chỉ có tốt hơn cho cổ đông mà thôi" - ông Phạm Như Ánh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.