Cây cổ thụ đổ khiến người dân nguy kịch ở Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?

21/10/2022 12:04 GMT+7

Theo quan điểm của luật sư, nếu cây bị đổ trong trường hợp này không được chăm sóc đúng quy trình, quy định thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “cố ý gây thương tích”.

Liên quan đến vụ việc bà V.T.P (64 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) đang di chuyển bằng xe máy trên phố Hàng Mã (P.Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào sáng 30.9 thì bất ngờ một cây cổ thụ đổ, đè vào người dẫn đến nguy kịch, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc và sẽ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.

Có thể khởi tố vụ án

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc cây đổ đè vào người khiến nạn nhân thương tích, thậm chí có thể tử vong là sự kiện pháp lý làm phát sinh các quan hệ pháp luật. Trong đó, có quan hệ dân sự về bồi thường thiệt hại và có thể là quan hệ hình sự nếu như đơn vị quản lý cây xanh có lỗi.

Bà P. bị cây cổ thụ đè trúng người khi đang di chuyển trên đường Hàng Mã

chụp màn hình

Đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến nạn nhân thương tích và có thể tử vong. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả thiệt hại đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân để có kết luận, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước tiên, việc chăm sóc, cứu chữa nạn nhân nhằm giảm bớt những thiệt hại do vụ việc gây ra là cần thiết. Ngoài ra, đơn vị quản lý cây xanh (Công ty công viên cây xanh Hà Nội) cũng cần phải có trách nhiệm thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân, phối hợp với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc.

“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cây bị đổ này không được chăm sóc đúng quy trình, quy định. Đặc biệt, cây có nguy cơ gãy đổ có thể nhìn thấy, phát hiện bằng mắt thường và người có chuyên môn, có trách nhiệm bắt buộc phải biết nhưng vẫn không cắt tỉa, gia cố, cảnh báo đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nếu dẫn đến hậu quả vụ tai nạn xảy ra khiến nạn nhân thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc tội vô ý làm chết người để điều tra xử lý người có lỗi trong tình huống này”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Gốc cây cổ thụ bị đổ, đè vào người bà P.

chụp màn hình

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trách nhiệm hình sự sẽ được đặt ra nếu như cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người quản lý cây xanh đã có lỗi trong việc chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh và lỗi này là tất yếu dẫn đến hậu quả thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân và hậu quả được xác định là nghiêm trọng.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy vụ tai nạn là do sự cố chứ không phải là do hành vi của con người, đơn vị quản lý cây xanh không có lỗi thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thiệt hại do cây cối gây ra.

Cụ thể, điều 604 bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra".

Bà P. vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện với tiên lượng xấu

gđcc

Như vậy, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý cây có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh từ cây cối gây ra, trừ trường hợp sự việc là bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.

Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Nói về sự “bất khả kháng”, theo quan điểm của luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Nếu chủ sở hữu cây xanh muốn chứng minh vụ việc là sự cố bất khả kháng trong trường hợp này (do thời tiết) thì phải chứng minh được việc mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, như: kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây rộng, hư hỏng, kiểm tra gốc rễ trước khi xảy ra mưa bão, nhưng sau đó vẫn xảy ra hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba.

Cây cổ thụ đã được dời đi

quang huy

Theo quy định tại khoản 2 điều 584 bộ luật Dân sự 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

“Qua thông tin báo chí, thì sự việc cây mục đã được người dân địa phương báo cáo với chính quyền từ cách đây 2 năm. Do vậy, trong trường hợp này cần phải điều tra làm rõ có đúng như người dân phản ánh hay không? Nếu đúng là có sự việc người dân báo cáo nhưng chính quyền địa phương không chỉ đạo khắc phục thì ở đây có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Luật sư Bình cho hay, trong trường hợp phải bồi thường cho gia đình nạn nhân về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm chết người thì đã cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại điều 360 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đơn vị quản lý cây xanh hoặc chính quyền địa phương được người dân báo cáo, phản ánh về việc cây mục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.