VAR và bóng đá Việt Nam:

Cầu thủ Việt Nam biết đến VAR khi nào?

29/04/2024 07:24 GMT+7

Được áp dụng ở các giải đấu hàng đầu trên thế giới, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bóng đá hiện đại. Không nằm ngoài xu hướng đó, bóng đá VN cũng đã coi VAR như một phần không thể thiếu trong hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ý thức của cầu thủ VN với VAR lại đang là vấn đề nổi cộm.

Nhờ khoác áo đội tuyển VN thi đấu ở các sân chơi lớn của châu lục, các cầu thủ VN đã sớm được tiếp cận với VAR, khi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa công nghệ rất hiện đại này vào nhiều giải đấu quan trọng.

LÀM QUEN VỚI VAR Ở NGOÀI LÃNH THỔ VN

Giai đoạn 2 mùa giải V-League 2023 đã chứng kiến cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên, VAR được áp dụng ở VN. Tuy nhiên với các thành viên đội tuyển VN, VAR đã trở thành "đối tác" quen thuộc từ rất lâu trước đó. Lần đầu đội tuyển VN tiếp xúc với VAR là ở Asian Cup 2019 - đây cũng là giải đấu đầu tiên ở châu Á có VAR. Hệ thống này được áp dụng từ vòng tứ kết và trận đội tuyển VN gặp Nhật Bản chính là cuộc so tài đầu tiên trong lịch sử Asian Cup (cũng như với bóng đá châu Á nói chung) chứng kiến VAR hiện diện.

Cầu thủ Việt Nam biết đến VAR khi nào?- Ảnh 1.

Trọng tài tham khảo VAR ở trận đội tuyển VN gặp Nhật Bản tại Asian Cup 2019

Trọng tài tham khảo VAR ở trận đội tuyển VN gặp Nhật Bản tại Asian Cup 2019

AFC

Đây là trận đấu mà VAR đã để lại nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn cho đội tuyển VN. Nhờ sự tham vấn của tổ trọng tài VAR, các học trò của HLV Park Hang-seo đã tránh được bàn thua sau tình huống dùng tay đưa bóng vào lưới của Maya Yoshida. Nhưng cũng bởi VAR, trọng tài Mohammed Abdulla Hassan đã quyết định thổi quả phạt đền sau tình huống Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với tiền đạo Nhật Bản. Để rồi trên chấm 11 m, Ritsu Doan đã ghi bàn thắng duy nhất, đưa Nhật Bản vào bán kết.

Trở thành đội tuyển đầu tiên ở sân chơi châu Á hưởng lợi, rồi sau đó bị thổi phạt đền bởi tư vấn của công nghệ, định mệnh đã gắn chặt VN với VAR trong rất nhiều giải đấu tiếp theo. Tiêu biểu là ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, toàn bộ 10 trận đấu của đội tuyển VN đều sử dụng VAR. Trong đó có những trận VN đá ở sân nhà nên FIFA và AFC phải đưa VAR vào VN, lắp đặt ở sân Mỹ Đình.

VAR PHÁT HIỆN MỌI TIỂU XẢO

Ở trận ra quân vòng loại thứ 3 World Cup gặp Ả Rập Xê Út, đội khách VN đã chơi cực hay trong hiệp 1 khi dẫn trước 1-0. Tuy nhiên ngay đầu hiệp 2, trung vệ Đỗ Duy Mạnh có tình huống dùng tay cản bóng trong vòng cấm. Sau khi tham vấn VAR, trọng tài Tantashev Ilgiz xem lại pha quay chậm, rồi quyết định thổi phạt đền cho Ả Rập Xê Út và rút thẻ đỏ cho Duy Mạnh. Bước ngoặt này khiến đội tuyển VN thua ngược với tỷ số 1-3.

Cầu thủ Việt Nam biết đến VAR khi nào?- Ảnh 3.

Duy Mạnh và ký ức khó quên

Sau đó 5 ngày, đội tuyển VN chạm trán Úc ở lượt đấu thứ hai. Các học trò ông Park khởi đầu trận đấu tốt với thế trận chặt chẽ, trước khi tổ chức pha lên bóng nguy hiểm ở cánh trái. Nguyễn Phong Hồng Duy đã sút bóng trúng tay hậu vệ Rhyan Grant trong vòng cấm ở phút 29, nhưng sau khi xem lại pha quay chậm với tham vấn của VAR, trọng tài Al Jassim (Qatar) lại không cho chủ nhà hưởng phạt đền. Nghiệt ngã cho đội tuyển VN khi sau đó chính Grant là người ghi bàn thắng duy nhất giúp Úc thắng tối thiểu 1-0.

Đến trận đội tuyển VN gặp Oman (lượt 4), cầu thủ VN phạm lỗi trong vòng cấm, dù không quan sát thấy rõ tình huống phạm lỗi này nhưng hệ thống VAR với hàng chục góc máy, nên sau khi xem kỹ VAR, trọng tài chính đã cho Oman hưởng 2 quả phạt đền (đội bạn ghi 1 bàn thắng, sút hỏng 1 lần).

Cầu thủ Việt Nam biết đến VAR khi nào?- Ảnh 4.

Trọng tài VAR xem xét kỹ tình huống

Đó chỉ là những chi tiết nhỏ trong bức tranh tổng thể. Theo thống kê, vì mắc lỗi mà đội tuyển VN đã bị thổi tới 7 quả phạt đền trong 14 trận đấu có VAR ở Asian Cup 2019, 2023 và vòng loại World Cup 2022. Tức là cứ mỗi 2 trận đấu có VAR, các cầu thủ VN lại bị thổi phạt đền 1 lần. Đội tuyển VN đã thua trong tất cả các trận bị thổi phạt đền. Tỷ lệ thắng của đội tuyển VN trong các trận có VAR cũng rất thấp, chỉ… 7,1%. HLV Park Hang-seo từng phát biểu: "Rất khó trả lời chính xác tại sao chúng ta hay bị phạt đền. Có lẽ do thói quen về phòng ngự từ thời mà các cầu thủ còn nhỏ. Ngoài thói quen thì còn lý do nữa là đội tuyển VN bị các đối thủ tạo áp lực lớn. Khi thực hiện hành động phòng ngự trong bối cảnh bị gây sức ép, đội tuyển VN hạ thấp đội hình và dễ bị thổi phạt đền".

Vấn đề đáng nói nữa ở đây là các quyết định của trọng tài sau khi xem VAR (hoặc nghe tư vấn từ tổ trọng tài VAR) đều là quyết định chính xác. Trong một vài tình huống, các cầu thủ VN có thể qua mắt trọng tài ở những pha vung tay tiểu xảo trong vòng cấm, phạm lỗi kín, song chẳng thể "đánh lừa" nổi VAR. (còn tiếp) 

TRỌNG TÀI KHÔNG BẮT THÌ VAR BẮT

Khi còn tại vị, HLV Park Hang-Seo đã nhiều lần nhắc nhở các học trò phải thi đấu tỉnh táo và bình tĩnh, kiểm soát được cảm xúc, đặc biệt ở những trận đấu có VAR. Ông yêu cầu đội tuyển VN nắm vững quy định liên quan đến VAR để tránh bị thẻ. Tuy nhiên, các học trò của ông khi chạm trán với nhiều đội mạnh ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, dường như đã xao nhãng lời dạy của thầy nên đã phạm những lỗi rất đáng tiếc và bị VAR phát hiện. 

Cầu thủ Việt Nam biết đến VAR khi nào?- Ảnh 5.

Một trận đấu có VAR mà đội tuyển VN tham dự


Đội tuyển VN mắc lỗi nhiều đến mức mà Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành từng mang ra làm ví dụ tại hội nghị tổng kết mùa giải 2021: "Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, chúng ta càng thấy rõ hơn một thực tế là có những tình huống khi cầu thủ chúng ta phạm lỗi, trọng tài không bắt thì đã có VAR bắt. Không qua mặt được VAR. Vậy thì các CLB phải rèn cho cầu thủ tránh phạm lỗi. Phạm lỗi là VAR xử lý ngay".

Trung Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.